Lá Thơ gửi Lãm Thuý của Phạm Ngọc Lư, người bạn và là thi sĩ tài hoa đã qua đời

Gởi LÃM THÚY

 

… Giờ này phương ấy nắng tà / ở đây thao thức tiếng gà tàn canh

                                                                                           (Sóng vỗ)

Đang 4 giờ sáng ngày 29 tháng 2 năm 2012 ở Đà Nẵng , không thể ngủ tiếp, hớp một ngụm nước trà nguội, hút vài hơi thuốc lá, mở computer đọc lại bài thơ (cũng là thư) của Lãm Thúy, chép ra giấy, nét chữ run run và lòng vẫn rưng rưng buồn rũ.

11 giờ đêm hôm kia, mở computer sau ba bốn ngày bỏ lửng, trong năm bảy cái mail linh tinh có thư Thúy, lòng khấp khởi mừng, nhưng rồi bất ngờ… thư anh, nhận từ hồi giáp Tết / bởi lòng buồn chẳng muốn hồi âm / từ mất mẹ thấy đời cũng hết / não nề trong cuộc sống lặng thầm !…

Buồn và buồn. Miên man. Chơi vơi. Một giờ sáng rồi 2 giờ sáng vẫn không chợp mắt được, bốn bề thinh lặng, chốc chốc gióng lên một hồi gió bấc vun vút ngang mái nhà thấp ngỡ như tiếng rượt đuổi của Thinh Không. Lồm cồm ngồi dậy, thắp đèn, không hiểu sao lại bước ra bàn thờ đốt nhang, lặng người nhìn ảnh cha mẹ rồi nhẩm đọc những câu thơ trên bài vị của Phạm Các Khuê (đứa con gái đầu lòng mất khi chưa đầy một tuổi).

*

Có lẽ không nỗi đau buồn nào trên đời này sánh bằng nỗi đau mất cha mất mẹ, dù các Người ra đi ở tuổi thượng thọ đại thọ chăng nữa. Bởi chúng ta ai cũng chỉ có Một cha và Một mẹ mà thôi. Nhưng Một là Tất Cả. Thúy biết không, mười năm trước, mẹ tôi mất ở tuổi 93, sau một cơn đau tim đột ngột, tang lễ xong, nhiều tháng năm sau đó tôi vẫn cảm thấy hụt hẩng lơ ngơ như đửa trẻ mồ côi. Tôi là đứa con bất hiếu, trôi dạt cùng bể dâu lịch sử, hành phương Nam cầu thực, ròng rã 12 năm bỏ mẹ một mình ở quê làng nhờ các chị chăm sóc. 12 năm đục ngầu 12 bến nước, năm 1994, tôi mới quy hồi cố xứ với tâm trạng ê chề (đã bày tỏ trong bài hành Trở về Phá Tam Giang) nhưng rồi đành chọn Đà Nẵng ngụ cư, nghĩa là vẫn không thể gần gũi sớm hôm bên mẹ già và quê cũ. Hồi đó, Tết nào tôi cũng về quê Thừa Thiên ăn Tết đạm bạc cùng mẹ. Từ ngày mất mẹ, tôi chỉ về cúng giỗ mẹ giữa tháng chạp, coi như đó là ngày tết rồi, bởi trong  cảnh ly hương, khi không còn mẹ thì cũng chẳng còn có dịp về quê ăn tết; mất mẹ là mất tết hết xuân và phai nhạt quê nhà, buồn thay!

Mẹ tôi (sinh năm 1909) là người mù chữ như đa số các phụ nữ Việt Nam cùng thế hệ với bà, nhưng bà là người thông minh và tài hoa dù khá khó tính. Bà rất giỏi chuyện hò hát, thuộc lòng khá nhiều câu hò câu vè dân dã, các chị tôi sau này không ai được như bà cả, tôi may mắn bẩm thụ năng khiếu văn chương từ mẹ. Vậy mà tôi là người rất tệ, cả đời không viết được dăm ba câu thơ cảm tạ mẹ mình!

      Ngày mẹ mất, trước giờ di quan, tôi nghẹn ngào nước mắt đọc một bài

ai vãn ngắn. Hôm nay lại xúc động bùi ngùi đọc thơ Thúy, cũng là một bài ai vãn xót xa hơn, não nuột hơn, trầm thống hơn. Không hẳn bao giờ con gái cũng thương mẹ hơn. Nhưng thương mẹ cũng chính là thương thân, bởi Thúy cũng đang là một người mẹ “chưa vơi sầu”.

                                 Ừ ! Quả thật đời là Bể Khổ

                                 Sầu chưa vơi sầu lại chất sầu

                                 Anh có lúc đi vào tuyệt lộ

                                 Chắc thế nào cũng hiểu lòng nhau

 

Rất chân thành, tôi nghĩ mẹ Thúy cũng như là mẹ tôi vậy, để kính cẩn cúi đầu trước hương hồn Bác đang phiêu diêu miền Tịnh Độ và trân trọng nỗi đau buồn của Thúy hiển hiện trong bài thơ chân thật đến nỗi tưởng như nhìn, thấy, nghe và cầm được trong tay.

Thu rồi đọc thơ Thúy khóc con Thúy Trúc, xuân này Thúy lại khóc mẹ,

lòng tôi cứ bàng hoàng xót xa. Không thể không nghĩ đến đời mình với  những mất mát tan nát triền miên,  37 năm qua tôi vẫn lặng lẽ khóc mình, những tiếng khóc vô thanh vô lệ, vẫn tôi và nước mắt dìu nhau / bơi qua Bể Khổ muôn màu nhấp nhô để “đề thơ trước mộ” và hình dung đến ngày về lại Nghìn Trùng.

                               Cứ nghĩ đến khôn cầm giọt lệ

                               Nói thêm đau, không nói cũng buồn

Nhưng “nỗi đau xót có người bày tỏ / khi nói ra lòng sẽ nguôi ngoai”.

Từ đó, rất xúc động khi Thúy bất ngờ “gặp” tôi để bày tỏ nỗi buồn của mình.Dù xa xôi muôn dặm, dù chưa một lần gặp mặt nhưng chắc chắn rồi, ta vẫn hiểu lòng nhau.

PHẠM NGỌC LƯ

April 17, 2020