HT – CHIẾC PHONG BÌ TÍM NGÀY ĐẦU XUÂN

VBMDHK

Hồng Thủy

CHIẾC PHONG BÌ TÍM NGÀY ĐẦU XUÂN

Suốt một tháng nay tôi luôn luôn lái xe đi làm bằng đường 270, rồi ra xa lộ 495 và vào Exit Kensington Connecticut để đến Wheaton Plaza làm việc. Thay vì đi bằng đường 28 và Viers Mill, nhanh và đỡ kẹt xe hơn. Lý do là tôi mong gặp lại người đàn ông Mỹ, với mái tóc bạc phơ, ốm yếu, đứng xin tiền ở ngay cuối exit Kensington Connecticut. Từ trước tới nay, tôi vẫn thường cho tiền những người đứng ở lề đường, chờ xe qua lại để xin tiền. Nhiều bạn bè, và ngay cả những người trong gia đình tôi, đều phản đối việc cho tiền như vậỵ Mọi người bảo họ là những người lười biếng, không chịu kiếm việc làm, vì nếu họ là những người cần và đáng được giúp đỡ, thì đã có chính phủ lo cho họ. Cho tiền những người đó là làm hại họ, khiến họ trở nên những người chỉ quen ăn bám. Có người còn nói với tôi, có lần họ gặp một người mới xin tiền ở lề đường, sau đó mấy tiếng đồng hồ, họ lại gặp trong tiệm ăn. Ngồi uống rượu tỉnh bơ, có vẻ như người ăn chơi thứ thiệt. Biết là mọi người nói đúng, nhưng không hiểu sao, tôi không thể làm ngơ trước những người xin tiền trông có vẻ ốm yếu hay già cả. Thật ra tôi đâu có cho họ nhiều, tôi cũng giới hạn, chỉ cho mỗi người 3$, đủ để họ có thể mua một cái Hamburger nhỏ, ăn cho đỡ đói vì tôi cũng đâu có dư giã gì cho lắm. Lý do tôi cho tiền, vì tôi nghĩ, dù họ có là người lười biếng không muốn đi làm, nhưng cũng chịu khó đứng phơi mặt giữa đường để xin tiền, dù có hôm trời thật nóng hay thật lạnh. Như vậy, cũng đáng cho họ được một cái Hamburger nhỏ. Tôi nghĩ 3$ bạc có đáng là bao mà mình phải cân nhắc nghĩ ngợi, khó khăn quá làm gì. Chỉ 3$ bạc, mà có thể mang niềm vui đến cho một người, sao mình lại tiếc? Nhưng một hôm, tôi đã không mang được niềm vui đến cho một người mà tôi rất muốn làm. Hôm đó, trên xe tôi có một người bạn ngồi bên cạnh. Khi xe vừa vào exit Kensington Connecticut, tôi thấy người đàn ông Mỹ đầu bạc phơ, trên tay cầm tấm bảng bằng carton xin tiền, có ghi thêm chữ Vietnam Veteran. Vì bận lái xe, tôi nhờ người bạn lấy dùm 10$ trong bóp để tôi cho người đó. Người bạn giẫy nảy lên, cản tôi “Điên sao mà cho tiền mấy người này, mà còn cho nhiều như vậy”. Tôi chưa kịp phản ứng thì đèn xanh đã bật. Tôi phải lái xe đi, không thể chần chờ, vì sau tôi là một dãy dài xe nối đuôi nhau. Sau đó tôi nói cho người bạn hiểu, thường thì tôi chỉ cho 3$, nhưng hôm nay là trường hợp đặc biệt, người này là cựu chiến binh ở Việt Nam và trông già cả tội nghiệp quá, nên tôi muốn cho nhiều hơn một chút. Người bạn vỡ lẽ tỏ ra hối hận vì đã cản tôi, nhưng vẫn nói thêm một câu “Chắc gì ông ta là cựu chiến binh VN thật”. Có thể là bạn tôi nói đúng, nhưng tôi vẫn áy náy không yên. Tôi cứ nghĩ, nếu ông ta là cựu chiến binh VN thật thì sao ? Từ hôm đó, tôi cứ mong gặp lại ông ấy, để mang đến cho ông một niềm vui nho nhỏ. Tôi còn mang theo một cái áo ấm để tặng ông, vì trời đã bắt đầu trở lạnh nhiều. Nhưng đã hơn một tháng trôi qua rồi, mà không thấy ông già đâu cả. Tôi hy vọng vì trời lạnh quá, nên ông ấy không thể đứng xin tiền ở đó được nữa, chứ không phải ông đã vĩnh viễn ra đi.  

Mấy chữ “cựu chiến binh ở VN” nhắc nhở tôi một niềm đau, mà về sau lại biến thành niềm hạnh phúc của những ngày mới đặt chân lên đất Mỹ. Hồi đó, phần lớn gặp người Mỹ nào tôi cũng được chào hỏi rất thân thiện, nhưng có một lần tôi đã bị một bà Mỹ già chửi bới VN thậm tệ. Khi biết tôi là người VN, bà đã xỉa xói và nói lớn tiếng, vì quê hương tôi mà bà đã mất đứa con trai độc nhất. Dù hiểu nỗi đau của bà, nhưng bất ngờ bị tấn công tới tấp, tôi quá sợ hãi nên đứng khóc ngon lành. Có thể, những giọt nước mắt tội nghiệp của tôi đã cảm hóa bà. Sau đó, bà ôm tôi vỗ về xin lỗi, và chúng tôi trở nên thân thiết. Bà thường đến coffee shop, nơi tôi làm đầu tiên khi mới đến Mỹ, ngồi chơi với tôi hàng giờ. Lần nào đến, bà cũng mang theo một món quà nhỏ. Bà biết tôi thích màu tím, nên đi đâu thấy cái gì mầu tím đẹp là bà mua cho tôị Chỉ là những món quà đơn sơ thôi, nhưng thể hiện tình cảm quí hóa của bà, và là niềm an ủi rất lớn đối với tôi trong những ngày đầu tiên nơi xứ lạ quê ngườị. Bà thường hỏi thăm tôi về phong cảnh và khí hậu ở Việt Nam. Bà nói, bà muốn biết rõ nơi chốn con bà đã ở, và đã trút hơi thở cuối cùng. Cảm động hơn nữa, là cái Tết VN đầu tiên trên đất Mỹ. Trước Tết, tôi có nói với bà người Tàu và người Việt có cùng một ngày Tết. Tôi kể chuyện về tục lệ Tết của VN. Người lớn cho tiền vào phong bì đỏ, lì xì cho con cháu. Ngày mùng 3 Tết bà đến thăm, đưa cho tôi một cái phong bì màu tím. Tôi ngạc nhiên quá, mở ra bên trong là 1 cái phong bì đỏ có 10$ và tấm carte Happy New Year của người Tàu. Tôi hỏi bà kiếm đâu ra cái phong bì đỏ và cái carte chúc tết đó. Bà cho biết, bà đến ăn một tiệm Tàu đúng vào ngày Tết. Bà hỏi thăm người bồi bàn và nhờ người đó mua dùm bà. Cầm cái phong bì tím của bà trong tay, tôi cảm động đến chảy nước mắt. Lần đầu bà đã làm tôi khóc vì sợ hãi, lần sau tôi khóc vì cảm động và vui sướng. Lần cuối cùng, bà làm tôi khóc là ngày bà bỏ tôi vĩnh viễn ra đi. Hồi đó, sau khi làm ở coffee shop một thời gian ngắn, tôi đi học làm tóc. Khi tôi tốt nghiệp đi làm ở Beauty Shop, bà lại là người khách hàng đầu tiên của tôi. Bà đến làm tóc hàng tuần. Mùa Xuân, bao giờ bà cũng mang cho tôi mấy bông hoa tím bà trồng ở trong vườn. Dù bà đã bỏ tôi đi 27 năm rồi, nhưng mỗi lần Tết đến, tôi vẫn không sao quên được cái phong bì mầu tím bà tặng tôi ngày mùng 3 Tết với tất cả lòng thương mến của bà. Đó là món quà Tết quí giá nhất của tôi, mà tôi biết chắc chắn tôi sẽ không thể nào quên được cho đến giây phút cuối của cuộc đờị

Gần Tết Mậu Dần – 1/2010 

August 18, 2019