Đói -Nguyễn Thị Thêm

 

ĐÓI

Ông Hoàng không thể nào ngủ lại được. Cơn đói như một lũ sâu bọ  đang bò vào xâu xé cơ thể ông. Cơn đói quái ác nó lôi ông ra khỏi giấc ngủ đầy mộng mị. Nó trườn vào từng thớ thịt của cơ thể. Nó đang tranh nhau tìm một chỗ đứng trong cái bao tử trống rỗng của ông. Nó gào lên từng lúc làm ông mím môi chịu đựng.

Ông đảo mắt nhìn quanh, căn phòng vắng, đèn lờ mờ nên ông không biết bây giờ là mấy giờ. Chiều qua lúc cô y tá đem cơm vào, ông mệt quá không ăn. Cô ta để lại phòng một hồi lâu rồi tới tối cô ta bưng ra ngoài.  Ông đã ngủ như vậy đến bây giờ. Ông muốn lên tiếng để kêu người, báo cho họ biết là ông đang đói. Họ có thể cho ông ăn chút chi đó lót dạ. Thế nhưng miệng khô khốc, chân tay cứng ngắt, muốn nhúc nhích mà nó vẫn nằm một chỗ im lìm như thách thức với ông.

Ông lại nghĩ đến ngày xưa mà thèm bát cơm nóng hổi mạ ông vừa bới ra khỏi nồi. Bát cơm nấu bằng gạo mới đầu mùa vừa xay về. Mạ ông nấu trong cái nồi đất bằng lửa rơm. Cơm cạn, bà ghế xuống đặt một bên bếp lửa. Cào tro nóng để dưới và một ít xung quanh. Trên cái cà ràng ba chân đó bà kho một nồi cá nục còn tươi chong mới từ biển đem về. Những lát ớt đỏ rực nổi trên mặt cá, mùi ruốc kho chung bốc lên thơm lừng. Đĩa rau lang luộc còn nóng hổi quyến rũ cơn háu ăn của tuổi mới lớn.



Thỉnh thoảng mạ ông còn kho nước ruốc thật ngon, những củ nén giã dập với ớt nằm xen lẫn những miếng thịt ba chỉ thái mỏng, hành lá xắt nhỏ thơm thật là thơm. Cái mùi thơm của ruốc tươi quê nhà. Cái mùi của Huế, của quê hương Quảng Trị yêu thương. Bà làm một rổ rau chơ lấy từ dưới sông lên với đủ các loại rau thơm trộn lẫn vào. Màu sắc của rỗ rau mới bắt mắt làm sao. Gắp một đũa đầy rau chơ, chấm vào tô nước ruốc kho loãng ăn với cơm nóng sao mà ngon quá đỗi. Ớt tăn tăn đầu lưỡi, ớt giật giật chân tóc làm toát cả mồ hôi. Vừa ăn vừa hít hà xuýt xoa mới đúng điệu ăn cay.

Nhưng có lẽ món mà ông khoái nhất là trái vả và cà pháo, thêm ít rau sống chấm với ruốc. Các món ruột này chỉ có quê ông mới có, vì vả là một giống cây rất khó trồng. Bởi vậy, mỗi khi được về phép thăm nhà, các bà chị họ lúc nào cũng sốt sắng dọn lên bàn món này: “Mời cậu mi ăn một bữa cà vả cho bưa, mai tê khỏi thèm”. Món ăn vừa rẻ tiền, vừa tình nghĩa mà ông không thể nào quên.

Này nhé, lấy một miếng vả, kẹp thêm tí rau thơm quẹt vào tô ruốc thật ngon có chanh, đường, tỏi, ớt. Cắn một cái, nhai  vào miệng, nghe tiếng rào rạo giòn giòn của vả, của cà. Chao ôi!! Nó ngon không có cao lương mỹ vị nào bằng.

Có hôm mạ ông đi chợ trưa về, bà mua một miếng thịt heo luộc sẵn, một ít bún tươi. Lấy nước mắm thật ngon, cắt vài lát ớt bỏ vào. Thế là mấy mẹ con ăn bún với thịt luộc ngon sao quá là ngon. Heo được nuôi bằng cám, chuối trong vườn, con heo không to, thịt chắc, ít mỡ. Lát thịt luộc đậm đà ngon nhất nhớ mãi không quên.



Chỉ nghĩ đến món ăn thôi mà nước miếng đã tràn đầy miệng, chảy cả ra ngoài. Ông tìm cách nuốt nhưng sao nó vẫn ào ạt tràn về. Nhớ quá. những món ăn dân dã nhà quê mà ngon ngọt vô cùng. Có lẽ không có món ăn nào ngon bằng những món ăn do đích tay mẹ nấu cho con khi tuổi vừa mới lớn. Những món ăn đó đi vào khứu giác, vị giác và tri giác đầu đời nên nó in đậm và gây nhớ mỗi khi nghĩ đến một bữa ăn khi bụng đang đói.

Ông cũng có những ngày vàng son khi trong túi có tiền. Những bữa ăn đầy đủ thịt cá, bia rượu và gái đẹp. Những bữa ăn đó rộn ràng tiếng cười, tiếng nói, tiếng nhạc và cả tiếng chửi thề. Những bữa ăn cho quên đời, quên cái chết đeo sau lưng không biết quật ngã người lính lúc nào. Những bữa ăn hoang phí. Nhớ nhà da diết mượn rượu giải sầu, mượn gái cho quên đời, mượn thiên hạ làm vui những ngày chết sống nơi chiến trường. 
Cũng có những lúc bên mâm cơm linh đình ông ngồi ăn mà nuốt không vô. Nỗi buồn dâng lên đầy ứ khi nghe tin một người bạn thân vừa từ giã cuộc chơi, hay nâng ly rượu tiễn đưa một thuộc hạ vừa nằm xuống.

Những lúc ấy, ông chỉ muốn khóc hay bắn chỉ thiên một tràng súng uất hờn. Ông muốn làm một điều gì đó cho bạn, cho đồng đội, cho lính tráng mà rồi chỉ biết về hậu cứ làm một bữa tiệc tiễn đưa. Hương vị món ăn như không còn hấp dẫn. Ăn vào mà miệng đắng nghét, uống rượu không biết say. Lúc ấy, trong ông chỉ nhớ những kỷ niệm, những giờ phút chung vai sát cánh chiến đấu. Hình ảnh bạn ông máu đổ loang mặt đất, xác thân không nguyên vẹn và đôi mắt trợn trừng bi thống. Đó là những lần buồn quá uống rượu say mèm quên đời. Ông nhớ từng chặng đời gay go đối diện cái chết và cái sống. Nhớ để thấm thía cuộc sống lính tráng xa nhà và một thời ngang dọc vẫy vùng trên những vùng chiến thuật.



Nhưng cái đói khủng khiếp nhất đời ông là những ngày tù tội. Cái đói hút người tù vào một miệng cống đen ngòm hôi hám. Cái đói ác ôn, tàn độc, ma quái. Nó dày xéo thân ông từng giờ từng ngày. Nó điều khiển mọi suy nghĩ, sinh hoạt của người tù CS. Nó như con quỷ dữ đeo bám vào ông. Ông thèm một chén cơm trong giấc ngủ chập chờn. Cơ thể ông mềm nhũn, yếu đuối, không còn sức để suy nghĩ hay làm một điều đó cho bản thân. Ông chỉ cần có một thứ gì bỏ vào miệng, nhai ngấu nghiến để tay chân không run rẩy, để còn sống ngoi ngóp chờ ngày về. Lúc đó kẻ thù đã dùng bao tử của người tù để hành hạ chính họ. Cho nên có kẻ chỉ vì cái đói tàn khốc mà phản bội anh em. Có kẻ chịu đựng không nỗi phải gục chết thảm thương. Có kẻ tìm cách vượt ngục để thoát khỏi cảnh tù đày, đói khổ.
Lúc đó một con dế tình cờ bắt được cũng lén vặt cánh nhét vội vào túi. Một con rắn mối chạy qua, cả bọn cũng rượt cho bằng được để lén nướng ăn. Chưa có bao giờ con người hạ thấp tư cách mình xuống vì miếng ăn như bấy giờ. Thật là kinh khủng và tàn độc.



Tuy nhiên  những lúc đó còn có bạn bè, còn tuổi trẻ và sức lực. Đói quá thì cái đầu nghĩ ra nhiều cách để tìm thứ gì nhét đầy bao tử.Tất cả còn có lý tưởng, khí phách của một người lính VNCH. Còn hy vọng một ngày thoát ra khỏi lao tù để tìm thấy ánh sáng tự do. Còn có điểm bám víu là có vợ con đang chờ đợi. Những lúc tù đày đói khát đó cái đầu còn sáng suốt linh hoạt, trái tim đầy ắp tình thương, còn  ước mơ tương lai tươi đẹp khi trở về. Tuy đói nhưng ý chí vươn lên mạnh mẽ để mình không  ngã gục.


Bây giờ, hôm nay cái đói nó khác đi nhiều. Cơ thể gào lên đòi ăn mà tay chân rời rạc, đầu óc trống rỗng, miệng không thể nói được. Bộ não đã teo đi theo tuổi già bệnh hoạn, trong đó lại nghĩ ra ý chí tiêu cực: “Thôi đừng làm phiền ai. Chết hay sống cũng đã đến lúc. Tấm thân già cô đơn thôi đành chấp nhận”. Một sự buông xuôi thất bại, một sự đầu hàng thê thảm nhất của con người.

Ông lại nghĩ đến bà vợ ông. Phải rồi. nếu mà có bà vợ ông bên cạnh, thì chỉ cần ông thức giấc là bà đã đến bên ông. Nếu tối qua ông không ăn được thì bà đã nấu món khác ngon hơn. Hôm nay bà sẽ mừng lắm khi ông đã biết đói và thèm ăn. Bà sẽ nấu những món ông thích và chờ ông  thức dậy là phục vụ cho ông. Bà sẽ ngồi đó chăm sóc cho ông ân cần, âu yếm  như chăm sóc đứa cháu ngoại. À Thì ra ông cũng có lúc yếu đuối như một đứa bé. Hèn cho người ta có lúc ví von: “ Người già và em bé giống nhau”.



Bà vợ già của ông thật tội nghiệp. Bà đã ở bên ông suốt cả cuộc đời. Ông nhớ đôi mắt hiền dịu của bà nhìn ông âu yếm. Nhớ những giọt nước mắt của bà trào ra khi ông bước vào chỗ thân nhân thăm tù, những câu nói, nụ cười khô héo trước mặt cán bộ ngồi trước mặt. Bà đã cho ông niềm hy vọng để tiếp tục chịu đựng và sống sót.  Bà đã hy sinh cho ông biết bao nhiêu trong giai đoạn cam khổ đó. Ông nhớ như in, bước chân hấp tấp của bà chạy ra khi nghe tin ông đã được thả về nhà. Rồi sau đó lo cho ông từng miếng ăn giấc ngủ, bảo vệ và giúp ông vượt qua những khó khăn bất mãn của một người tù đang vùng vẫy giữa những bất công.
 
Ông rơm rớm nước mắt khi nghĩ đến giờ này bà cũng đang nằm trong bệnh viện. Cũng đang đấu tranh từng giờ với tử thần và những cơn đau. Bà đang lẻ loi không có ông bên cạnh. Hơn 10 năm chăm sóc cho ông bệnh đau,  bà không rời ông nửa bước. Bà như cái bóng bên ông tận tụy. Còn ông, giờ này bà cần một người bênh cạnh để chăm lo, ông lại không thể làm gì được cho bà.
 
Mỗi khi ông đói thì bà đã lo sẵn bữa ăn nóng cho ông ăn vừa miệng. Khi ông cảm cúm, ho hen, bà nấu cháo cảm có hành tiêu nóng hổi và đút cho ông từng muỗng. Đôi khi ông giận không ăn, bà đi theo năn nỉ. Bà lo cho ông không ăn đầy đủ sẽ mất sức, bệnh hoạn. Ông như người được sống trong nhung lụa không thấy thương người thiếu áo thiếu quần. Ông quen được bà nuông chiều nên cứ sống ấm êm trong vòng tay thương yêu chiều chuộng của vợ, của con. Ông phải vào đây vì bà ngã bệnh, mấy đứa con phải lo đi làm kiếm cơm nuôi gia đình chúng. Đưa ông vào viện người già là biện pháp cuối cùng để bà yên tâm chữa bệnh. Ông không thể trách con cái vì nó không thể làm gì khác hơn với một người cha không thể tự mình sinh hoạt. Vào đây có y tá, có bác sĩ, có bạn bè trang lứa. Dẫu không được như ở nhà nhưng cũng có nhiều người chăm sóc và có đầy đủ phương tiện y tế để lo cho ông.



Ông lại nuốt nước bọt. Cơn đói dường như đã nguôi ngoai. Ông nghĩ đến bà đang một mình nằm trên một chiếc giường bệnh viện như ông? Bà cũng đang đối diện với đau đớn và bệnh tật như ông. Không biết nửa đêm bà có đói bụng giống như ông không? Xung quanh bà cũng như ông không phải là con cái mà là những người không quen biết. Những cô y tá, những người y công. Họ làm việc vì bổn phận, vì đồng lương. Họ cũng vất vả vì phải đối diện với bệnh tật và chết chóc. Họ phải chịu đựng những tiếng la hét hay mắng chửi vì nóng giận của những người già. Họ cũng tội nghiệp lắm. Hãy để cho họ được thêm một chút nghỉ ngơi.



Bà ơi! Ông nhắm mắt lại. Hình ảnh bà với nụ cười hiền hậu hiện ra lung linh. Ông thấy bà cười với ông. Ông thấy bà giang hai cánh tay ôm đầu ông vào ngực, xoa xoa lưng cho ông . Ông cảm giác mình thật ấm áp, nhẹ nhàng và sung sướng. Ông mỉm cười, nhắm mắt lại và đi vào giấc ngủ với hình ảnh người vợ xinh đẹp có nụ cười thật dễ thương.
 
Nguyễn thị Thêm.
 
 
 
April 28, 2020