Con Chánh Tổng- Phương Thuý

Con Chánh Tổng

 

Bà Châu đặt những đĩa trái cây đầy màu sắc, những lọ hoa cẩm chướng hồng và đỏ trên bàn thờ, rồi thắp nhang, khấn vái: “Kính thỉnh linh hồn chị Thanh về nghe kinh”.  Bà và ông Châu đọc một thời kinh cầu siêu A-Di-Đà. Xong lễ, chân bà tê mỏi, ông Châu phải dìu bà đứng lên, ngồi xuống cái ghế kê sát tường. Bà Châu nhìn tấm hình của chị Thanh trên bàn thờ vong, chép miệng:

– Chị ấy là con của Chánh Tổng thế mà khổ cả đời.

Ông Châu gật gù:

– Chức Chánh Tổng khá lớn, bao gồm một số xã ở Phủ Lý. Huyện Phú Lương lúc đó có 7 tổng: Quán Triều, Cổ Lũng, Tức Tranh, Động Đạt, Phủ Lý, Yên Đổ, Yên Trạch với 21 làng, bản.  Cụ có ngôi nhà ngói bẩy gian sừng sững, vườn sau rộng nhiều cây ăn trái, đất ruộng bao la. Đến mùa gặt lúa thì tấp nập, vui lắm… Không những cụ là Chánh Tổng mà còn là trưởng họ đạo ở đấy, rất được mọi người kính mến vì cụ nhân đức và hay giúp kẻ nghèo khó.

– Chị dễ nom, có khối người muốn lấy mà sao lấy anh Thanh, vừa cục mịch lại ít học.

– Cũng vì chị ấy là con một, hai cụ không muốn gả con theo chồng đi xa. Năm 19 tuổi chị ấy chồng. Anh ấy cũng là con một nhưng nhà nghèo, cùng họ đạo, chân chất, giỏi việc đồng áng, lại chịu ở rể. Cuối năm đó chị sinh cháu Loan. Sau hai lần hư thai và mất 3 đứa con, cụ bà cũng có thai cùng lúc với chị Thanh. Chúng cứ sống được vài tháng đến một năm thì lên cơn sốt, nóng ran, mê man mấy ngày rồi chết.

Cụ bà phát điên, tối tối trèo lên cây ngồi khóc tỉ tê. Chị ra kéo cụ xuống thì cụ cầm cành cây quất lia lịa vào người. Rồi cụ đi nhà thờ và cả đền chùa để xin một đứa con trai. Hơn 14 năm, lời khẩn cầu của cụ mới được đáp ứng. Cả nhà háo hức, hy vọng điềm lành, Chúa sẽ ban cho một đứa trẻ thật đặc biệt. Rồi thất vọng vì hai mẹ con đều sinh con gái: cháu Loan và dì Kiều chỉ cách nhau 2 tháng. Cụ bà chán, chẳng màng đến con thơ. Chị Thanh vừa cho con vừa cho em bú sữa, nuôi em thay mẹ.

Bà Châu phụ họa:

– Nhà có kẻ hầu người hạ đầy ra đó nhưng chuyện gì cụ bà cũng giao cho chị. Chị Thanh quần quật làm từ sáng tinh mơ đến tối mịt, vừa trông nom thợ gặt vừa lo cơm nước cho họ. Mang tiếng là con Chánh Tổng mà chị còn vất vả hơn thợ.  Anh Thanh thương vợ quá nhọc nhằn nên cũng làm cật lực… Cơ duyên nào đưa đến việc cụ Chánh nuôi anh?

– Cụ Chánh nghe tiếng anh học giỏi nhất làng Phủ Lý lại biết tình cảnh gia đình nghèo nên cụ đề nghị làm cha mẹ đỡ đầu để cho anh vào học trường Dòng của Pháp. Điều kiện vào trường Pháp khó lắm, ngoài học giỏi, có tiền, còn phải có người trong họ đạo đỡ đầu. Anh biết sức mình còn có thể học cao hơn nữa nhưng làm gì có tiền để đi học, đành nghe lời cha mẹ đi làm con nuôi của cụ.

– Trong thời gian đi học anh ở nhà cụ ư?

– Không, ở nội trú trong trường, thỉnh thoảng mới về thăm hai cụ. Mỗi lần về, hai cụ cho vài bộ quần áo mới, cho tiền học, cho ăn uống phủ phê nhưng anh lại không thấy ngon vì đã quen với các món ăn đạm bạc của nhà nghèo. Lần nào anh trở về trường, chị Thanh cũng dúi tiền cho anh, đây là tiền riêng của chị. Chị thương anh như đứa em ruột thịt.

– Hai cụ muốn anh trở thành Cha? Bà Châu thắc mắc hỏi.

– Thấy anh học dễ dàng, sau khi có Tú tài Pháp, cụ ông khuyến khích anh học cao hơn nữa thành linh mục. Nhưng gặp em rồi thì anh bỏ dòng tu, làm Cha xấp nhỏ thích hơn. Ông háy mắt, liếc bà.

Bà Châu tủm tỉm:

– Thế mà hai cụ chẳng giận em đã quyến rũ anh. Lúc mới vào Nam, mỗi tháng, anh phải đi công tác tại các tỉnh, cụ ông thường đến thăm, cho quà tụi nhỏ. Anh Đức, bạn cùng lớp với anh, lúc ấy đã thành linh mục cũng đến luôn, cứ đòi xin cho thằng Tuấn vào đạo thì muốn gì được nấy. Em gạt phăng: “Không được… Có thằng con trai đầu lòng nối dõi tông đường bên nội, đem cho Cha sao được.”

– Hai cụ tiếc chức linh mục lắm đấy, cứu rỗi được cả nhà cơ mà nhưng cụ ông tôn trọng quyết định của anh, không phàn nàn, năn nỉ. Còn cụ bà thì tiếc công của nuôi anh ăn học hơn 10 năm qua nên đối xử có phần lạnh nhạt. Chị Thanh thì vẫn thế, không để cái chức linh mục xen vào tình cảm giữa hai chị em.

Ông Châu mơ màng nhớ lại chuyện xưa ….

 

Năm 1954, gia đình cụ Chánh di cư vào Nam trước cùng với họ đạo. Cụ mà ở lại ngoài Bắc thì chắc chắn sẽ bị đấu tố vì là phú hào địa chủ.  Cụ định cư vùng Xóm Mới, ở Gò Vấp, xây hai căn nhà rộng rãi, thông nhau ở giữa, gần đầu ngõ và hướng về đền thờ Đức Mẹ to đẹp, nằm trong khoảng sân chung lót xi măng.  Bây giờ họ không gọi cụ là Cụ Chánh nữa mà gọi là Cụ Xóm Mới.  Mỗi năm, đến ngày lễ Giáng Sinh và Tết, ông bà Châu đem các con về Xóm Mới vài ngày, cũng vào nhà thờ và xem rước lễ. Hai cụ vẫn đối xử ân cần, quý mến các cháu nhưng không hề đề nghị ông bà Châu cho chúng rửa tội, vào đạo nữa.

 

Vào Nam, bỏ nghề làm ruộng, cụ bà và chị Thanh lăn vào việc bán hàng tạp hóa và sổ xố, mướn phần ngoài của một căn nhà nằm ngay mặt lộ chính đông đúc để mở tiệm. Thỉnh thoảng lại chạy hàng xách tùy theo mùa như mùa Tết thì buôn pháo, bánh mứt, … Đời sống dư dả. Việc nhà giao cả cho anh Thanh vì anh thật thà, chậm chạp lại kém giao tế nên không thể ra ngoài đời bươn chải, xông xáo buôn bán. Anh quán xuyến mọi việc thật chu đáo, nấu ăn ngon, biết sửa chữa nhà cửa và đóng cả đồ đạc nữa.

Khi chiến tranh gia tăng, buôn bán có phần ế ẩm, chị Thanh lao tâm lao lực vì các con chị đang tuổi lớn, 3 gái 2 trai, phải lo cho chúng ăn học, nhất là thằng con trai út đang ở nội trú trường Dòng để trở thành linh mục, tiền ăn học nội trú rất tốn kém. Chị một mình cáng đáng cái gánh nặng gia đình, phải vay muợn với lãi suất cao để bù đắp cho sự thiếu hụt tài chánh nhưng chị không hề than thở với ai, kể cả ông bà Châu. Mấy năm sau, cháu Loan và dì Kiều đậu Tú tài rồi đi làm công chức, có mức lương cố định, phụ giúp vào sinh kế gia đình, không phải hoàn toàn tùy thuộc vào cửa hàng xén nữa thì chị mới bớt lo nghĩ và cực nhọc.

  

Cụ bà dạo này hay đau ốm nhưng vẫn cố gắng buôn bán, chỉ khi nào bệnh nặng, lết không nổi mới chịu nằm nhà hay đi bác sĩ. Cụ ông sống khỏe mạnh, nhàn nhã, phong lưu như thời làm Chánh Tổng. Thế mà cụ ông lại không thọ bằng cụ bà. Một buổi trưa, cụ bà về nhà dọn cơm ăn, không thấy cụ ông dậy pha trà như mọi bữa. Cụ bà vào lay người, đánh thức. Cụ ông kêu nhức đầu quá, không dậy nổi. Cụ bà gọi chồng con Loan sang cõng cụ ông, đưa đi bác sĩ ngoài đường cái. Họ bảo cụ bị cảm, chích một mũi thuốc rồi cho về, cũng chẳng rõ là thuốc gì. Gần về đến nhà, chồng con Loan thấy cụ lỏng tay ôm, muốn ngã ngửa ra phía sau, nó vội vàng xốc người cụ lên, một tay bợ đít, một tay giữ lưng cụ, ráng lết về nhà… Đặt cụ lên giường, cụ xuội lơ. Nó lay người, sờ mũi rồi hét toáng lên. Cụ đã chết rồi!

Đám ma cụ khá lớn, cả họ đạo đi đưa. Ông bà Châu và các con mặc đại tang sau khi đã xin phép cha mẹ ruột của mình. Cụ bà như người mất hồn, chả thiết buôn bán gì nữa.

Chưa nguôi cơn sầu thì đứa em gái kế Loan bị đụng xe chết. Đến phiên chị Thanh ốm vì quá lao tâm lao lực và quá buồn vì cảnh nhà: một thằng đi lính không biết sống chết lúc nào, còn thằng út bỏ trường Dòng. Mấy ngày sau, chị gắng gượng ra tiệm, đôn đáo chạy hàng dù chưa khoẻ hẳn.

 

Tháng 4, 1975 Sài Gòn lên cơn sốt vì chiến tranh lan rộng. Gia đình ông bà Châu làm trong Bộ Ngoại Giao nên đi thoát trước khi Sài Gòn mất vào tay Việt cộng vào ngày 30 tháng 4. Ông bà tặng chị Thanh một số tiền lớn, giao căn nhà và tất cả đồ đạc cho chị nhưng chị không dám về đó ở. Dân di cư 54 như gia đình chị Thanh nơm nớp sợ cái lý lịch địa chủ bị lộ tẩy. Gia đình cụ Xóm Mới vẫn ở lại chỗ cũ, nhưng anh Thanh xây bít bức tường ở giữa, hoàn toàn ngăn đôi căn nhà cũ thành hai căn riêng biệt, mỗi gia đình ở riêng một căn.

 Trong nhà rỗng tuếch vì đồ đạc đã dần dần theo nhau ra chợ trời hết. Dân miền Nam trở nên đói khổ, tồi tệ sau những loạt đổi tiền, đi vùng kinh tế mới. Gia đình chị Thanh cũng chung số phận, cũng lam lũ, bần hàn. Cửa hàng xén không còn. Chủ nhà khóa cửa chạy loạn, rồi biệt tăm. Chị Thanh mất hết số hàng trong tiệm. Hai mẹ con chật vật đeo đuổi nghề buôn bán xưa: vài ống chỉ, cây kim, dăm cây bút chì, thuốc lá… và những thứ lặt vặt còn sót lại, lê lết các ngả đường mà chả kiếm được bao nhiêu.

 Anh Thanh nói chị xoay sở cho anh một số tiền để đi buôn thịt nhưng sau khi bị lừa hai lần, mất hết vốn thì anh đành chịu trận, thất chí ở nhà, loay hoay với luống rau, khoai, sắn. Ai cũng rách nát, tả tơi, cuộc sống tồi tệ hơn trước nhiều, chẳng ai giúp được ai. Đói khổ là chuyện thường. Một cuộc đổi đời bi thảm, chưa từng có trong lịch sử! Thằng con chị Thanh đi lính phải vào trại cải tạo, đứa con gái út vượt biển đã lâu không có tin tức, chắc là chết.

Cụ bà đuối sức, hai năm sau mất. Đám ma qua quít, lưa thưa. Chị Thanh tất bật mánh mung kiếm sống.

 

Dạo này chị không được khỏe, hễ ăn vào là bụng chướng, khó chịu, nhâm nhẩm đau, chỉ muốn nôn thốc tháo, da mặt vàng như nghệ, và người càng ngày càng gầy rộc đi. Chị Thanh tìm đến ông bác sĩ quen thì mới biết mình bị ung thư gan đã lâu. Chị âu sầu, phiền não, tiền ăn đã chẳng đủ thì làm sao có tiền chữa bệnh, mà dù có tiền cũng không mua được thuốc vì không có thứ thuốc nào cả ngoài thứ Xuyên Tâm Liên trị bá bệnh. Chị trở nên lạnh lùng, câm nín, dửng dưng với cuộc đời và dập vùi của xã hội mới. Chị như hòn đá vô tri vô giác, lăn lóc trong cõi đời chông gai, chấp nhận bất hạnh và số phần cay nghiệt…

 

Chị tưởng mình đã chai đá nhưng khi cầm số tiền $300 đô của ông Châu gửi về bất ngờ, chị đã òa khóc nức nở, bao nhiêu tủi nhục, cay đắng theo giòng nước mắt tuôn chảy không ngừng. Số tiền ấy đã đến đúng vào lúc gia đình chị đang trong cảnh cùng cực nhất. Chị chia cho em và các con, mỗi người một ít, có chút vốn để làm ăn. Chị sắm sửa thực phẩm đi thăm thằng Nhuận trong trại tù Long Khánh. Vừa thấy con, chỉ còn da bọc xương, chị khụy người, nước mắt dàn dụa… Níu lấy thành bàn ghế, chị cố gượng đứng lên, lắp bắp hỏi thăm con nhưng chẳng tròn câu tròn chữ… Hai mẹ con nhìn nhau, cố nuốt nước mắt ngược vào lòng… Chị nắm bàn tay khẳng khiu của con, đau xót, cứ nấc lên từng hồi… Chị khóc suốt đường về… Thật là kỳ diệu, chị về được đến nhà rồi ngã bệnh, nằm liệt giường.

 

Chị nhìn lại đời mình, không một ngày nhàn hạ, sung sướng. Những lúc tủi thân, chị ẩn mình trong xó nào đó, rấm rức khóc, rồi lại quẹt nuớc mắt mà tiếp tục làm việc như cái máy. Chị nghĩ đây là ý Chúa, cho chị những thử thách gian nan để chị thành người tốt hơn nên chị không oán than, cay cú…

Chị nằm đấy, bơ phờ, mệt nhọc, cơn đau đang hành hạ chị mà chị có yên tâm đâu, đầu óc vẫn lo lắng đến miếng cơm manh áo… Rồi chị cố nhỏm dậy, cắp nón đi.

Thế là hết nhẵn số tiền! Không còn đồng nào để đi khám bệnh. Chị chẳng ăn uống gì mà bụng cứ chướng lên như có thai, cơn đau dồn ứ đưa lên miệng, chực nôn thốc ra. Căn bệnh mỗi ngày một nặng, người chị gầy đét mà chị cố gượng, cố làm ra vẻ không sao cả.  Khi đau quá, mệt quá, choáng váng cả người, chị ngồi bệt xuống chỗ nào gần đó và mong có được một cái chết chóng vánh…

 

Hôm nay cơn đau kéo dài, chị ôm chặt bụng, thở dồn dập… mắt mờ đi, cảnh vật quay cuồng… Chị lảo đảo níu lấy cái cột… Ngồi dựa vào nhà người ta đã lâu mà vẫn chưa lấy lại sức để đi về. Chị chợt thấy con Loan hớt hải đi tìm. Chị cố gắng giơ tay vẫy con.

– Mẹ sao vậy?

– Mệt quá… Chắc phải đi bác sĩ. Có tiền cho mẹ vay?

Con Loan nhăn mặt:

– Tiền ở đâu mà có?

– Tiền cậu Châu cho con đó.

– Hết rồi. Con mua gà về nuôi rồi.

– Bán vài con.

– Gà còn nhỏ lắm, bán sẽ không được gíá. Thôi để con tìm cách khác. Con dìu mẹ về.

Đợi con Loan đưa tiền thì đã muộn. Hôm sau, chị Thanh vào bệnh viện nhưng bác sĩ đã bó tay. Cho về nhà được một hôm thì chị mất…

 

Bà Châu ngậm ngùi:

– Sống khổ như thế thì chết là giải thoát. Cũng may là chị nhận được tiền của mình rồi mới mất. Chị cũng được an ủi phần nào.

– Cả đời chị lo toan cho gia đình, sống vì người khác. Anh gần gũi với chị nhiều hơn hai cụ. Anh vẫn thấy mình đền đáp chị chưa đủ.

Ông Châu nhìn bàn thờ… bỗng phì cười:

– Chị có đạo Thiên Chúa mà mình bắt chị ngồi bàn thờ vong, nghe kinh Phật thì ngược ngạo quá.

– Bàn thờ vong của cả họ, ai mất đều lên đó ngồi, có sao đâu. Lúc ở Xóm Mới, em thấy hai cụ có bàn thờ vong lại có thắp nhang và khấn nữa đấy. Còn nghe kinh Phật, được Phật độ trì thì càng tốt chứ. Không nhẽ Chúa, Phật tranh giành linh hồn à? Mình biết kinh nào thì đọc kinh đó, chị sống khôn chết thiêng chắc hiểu lòng mình, sẽ không nề hà phân biệt…

 

Ông Châu vái chị Thanh 3 vái rồi lui ra. Bà vẫn còn loay hoay sắp xếp lại các khung hình trên bàn thờ, đĩa trái cây, lọ hoa… đợi nhang tàn rồi bà tắt đèn, tắt nến. Chăm chăm nhìn ảnh chị, bà thầm thì căn dặn: “Thôi chị về với Chúa. Đừng lưu luyến cõi trần khổ đau nữa.”

 

Nguyễn Phương Thúy

March 7, 2021