Biết Lệ Thu Từ Xa Xa- T.T. Thái An

BIẾT LỆ THU TỪ XA XA

TT-Thái An

 

Từ những năm tiểu học, lớp ba, lớp nhì (lớp 3, lớp 4) trở đi, tôi đã có thói quen đem chiếc radio vào giường mỗi tối trước khi ngủ để nghe nhạc của đài phát thanh Sài Gòn.  Đó là những năm 1963-1964. 

Tôi vặn thật nhỏ xíu để khỏi bị bố phát giác và bắt tắt đi để ngủ sớm.  Mỗi khi nghe đến bản Chiếc Lá Cuối Cùng của Tuấn Khanh tôi cảm thấy nó quá tuyệt vời từ giai điệu đến lời ca và cô ca sỹ nào trình bày thì tôi không nhớ tên, nhưng tôi rất thích nghe cô này hát.

Đến những năm 1969 tôi lại nghe cô ca sỹ đã từng hát Chiếc Lá Cuối Cùng những năm xưa hát bản Mùa Thu Trong Mưa của Trường Sa.  Bây giờ thì tôi đã biết đó là Lệ Thu.

 

Sau đó, Lệ Thu thâu đĩa liên tiếp những tác phẩm khác của Trường Sa như Rồi Mai Tôi Đưa Em, Xin Còn Gọi Tên Nhau.

Tôi mê nghe nhạc từ nhỏ, không những chỉ nghe thôi mà còn mua tất cả những bản nhạc in trên giấy, những đĩa nhựa 33 vòng, 45 vòng.  Đĩa nhỏ chỉ thâu có 4 bài, đĩa lớn thâu được 6 bài (hay 8 bài, tôi không nhớ rõ), nghe xong một mặt phải lật đĩa lại nghe mặt kia.  

Vì thế, tôi đã mua tất cả những đĩa nhạc của Lệ Thu hát các nhạc phẩm Trường Sa hay của bất cứ nhạc sỹ nào.

Khi xưa, còn nhỏ, nghe Lệ Thu hát Hoài Cảm và Hương Xưa của nhạc sỹ Cung Tiến, tôi chìm theo vào dĩ vãng của ai đâu, của thời tiền chiến, của thế hệ cha mẹ, ông bà, mà buồn nhè nhẹ và nhớ vu vơ.   Không thể có nữ ca sỹ nào khác hát hai tác phẩm này hay bằng hoặc hay hơn Lệ Thu.

Danh ca Tuấn Ngọc sau này hát lại những ca khúc của Thái Thanh, Lệ Thu và Khánh Ly, anh đã hát thật xuất sắc, thật tuyệt đỉnh.

 

Bố biết tôi thích nghe nhạc và mua đĩa nhạc mới ra đều đặn nên thỉnh thoảng theo tôi vào các tiệm bán đĩa nhạc.  Sau này bắt đầu có băng cassette thì mới nghe được một lúc cả hơn 10 bài.

 

Cũng những năm này bố tôi hay ra vào đài truyền hình Việt Nam hay còn gọi là đài truyền hình Sài Gòn, hay đài số 9 nằm trên đường Hồng Thập tự.  Vì lúc đó bố tôi làm đại lý độc quyền cho hãng phim Fuji của Nhật, bán phim Fuji cho đài truyền hình và Trung Tâm Điện Ảnh Quốc Gia và các hãng phim tư nhân nên thường xuyên đến những nơi này.  Vì thế bô quen thân với ông giám đốc đài truyền hình đương thời; tôi nghe bố hay nhắc tên ông là ông Bửu.  Tôi chẳng bao giờ hỏi đến họ của ông nên bây giờ không biết.  Nhưng có lẽ một người có thể nhớ tên và họ của ông, đó là anh xướng ngôn viên đài truyền hình vào những năm đó, hiện đang sống ở Virginia: anh Đào Hiếu Thảo. 

 

Nói đến anh Đào Hiếu Thảo, tôi có dịp gặp anh và phu nhân của anh nhân dịp đi đám cưới một người bạn ở Falls Church, Virginia cách đây khoảng 22 năm.  Hôm đó vì ngồi chung bàn nên tôi có dịp hỏi anh Thảo có nhớ tên ông T.L.Tá không, anh nhớ ngay và hỏi lại tôi: “Ông Tá là gì của chị?” Tôi trả lời: “Là bố tôi”. Anh Thảo tỏ vẻ ngạc nhiên vì tình cờ gặp con gái ông Tá, tôi vui vì tình cờ gặp được người biết bố tôi từ trước 1975.

 

Ông giám đốc Bửu đã có gia đình, nhưng vợ con ông đã sang Pháp sinh sống vài năm rồi, chỉ còn một mình ông ở lại Sài Gòn nên buổi tối ông rất rảnh.  Ông lại say mê tiếng hát của Lệ Thu nên tối nào ông cũng rủ bố tôi cùng đi phòng trà Queen Bee để nghe Lệ Thu hát. Cứ thế một tuần 7 đêm, không đêm nào vắng mặt ông Bửu và bố tôi ở Queen Bee.  Lệ Thu cũng rất thân với ông Bửu, cứ hát xong thì cô đến ngồi tiếp chuyện ông Bửu, vì thế quen cả bố tôi.

Bố kể Lệ Thu hát nhạc Pháp rất hay, nhất là bài Autumn Leaves (Les Feuilles mortes).  Ông Bửu cứ yêu cầu Lệ Thu hát bài này mãi.  Rất tiếc các trung tâm ca nhạc Việt Nam tại Mỹ đã không tạo cơ hội để cô hát cho chúng ta nghe bài này.

 

Kéo dài gần hai năm như thế, đùng một ngày kia bố về kể với mẹ tôi rằng: “Hôm nay ông Bửu đã biến mất khỏi đài truyền hình, không ai biết ông đi đâu”. 

Vài hôm sau, bố lại nói cho mẹ hay: “Nghe nói ông Bửu đã vượt biên qua Cam Bốt bằng đường bộ để đón phi cơ đi Pháp.  Không biết có liên quan gì đến chính trị không?  Không biết ông làm gì, người của phe nào?”

Sau khi ông Bửu ra khỏi Việt Nam một thời gian ngắn, Lệ Thu đã về hát cho phòng trà Tự Do, lúc này do Khánh Ly quản lý, khoảng năm 1970 hay 1971 gì đó.  Đến ngày 15 tháng 9, năm 1971, phòng trà Tự Do bị Việt Cộng đặt chất nổ, nổ tung, làm nhiều người chết.

 

(Trong The Jimmy TV/Bước Chân Dĩ Vãng #1, phát hình ngày 18, tháng 10, năm 2020.  Jimmy mạn đàm với 2 danh ca Lệ Thu và Khánh Ly.  Lệ Thu có kể lại cô đã thoát chết trong vụ nổ tại phòng trà Tự Do vì hôm đó cô đã sửa soạn xong để lên phòng trà Tự Do trình diễn, nhưng ông chồng của cô tự nhiên lại kiếm chuyện gây với cô; cô thấy quái lạ vì từ trước tới giờ ông sợ cô lắm, vì thế cô đành phải ở lại để nói cho xong. Đang lúc đó, có một bà bạn của mẹ cô hớt hải đến báo tin cho mẹ cô hay: “Chị ơi! Con Thu nó chết rồi!” Cô Lệ Thu đang ngồi trong nhà nghe thấy thế liền chạy ra, làm bà kia cụt hứng.  

Vì bà bạn của mẹ Lệ Thu có một cái bar tên Hồ Diệp, ở gần phòng trà Tự Do, nên tưởng Lệ Thu đang trình diễn ở trong đó vì bà biết giờ trình diễn mỗi ngày của Lệ Thu. Cũng theo lời của Lệ Thu, cô thấy ở cuộc đời này tất cả đều có cái số, tất cả đều do Trời định)

 

Vài ngày sau vụ nổ, bố tôi gặp lại Lệ Thu, bố nói đùa với Lệ Thu rằng: “Có lẽ ông Bửu ghen với cô nên cho người đặt mìn đấy”.  Bố kể với mẹ rằng: “Lệ Thu tưởng thật nên có vẻ sợ hãi hỏi lại “Thật à? Thật à?”  Bố phải trả lời: “Nói đùa thôi! Ai lại muốn hại người ca sỹ mình yêu quý bao giờ nhỉ?”

 

Ngày xưa trước 1975, tôi chẳng khi nào theo bố vào đài truyền hình hay Trung Tâm Quốc Gia Điện Ảnh, nhưng mỗi khi có phim mới, các ông đạo diễn hay gửi bố giấy mời xem buổi ra mắt phim.  Bố hay hỏi tôi có muốn đi không thì bố cho theo, vì mẹ không bao giờ đi xem phim.  Tôi còn nhỏ và nhát quá, không dám đến nơi “đô hội” nhiều người nổi tiếng nổi tăm nên chẳng bao giờ theo.  

 

Có lần ông đạo diễn Nguyễn Văn Hiền đến nhà đưa giấy mời xem buổi trình chiếu phim yyyy (tôi quên tên phim); tối hôm đó bố không có nhà, bác Hiền bảo bác mời bố và tôi đi xem. Tôi ngạc nhiên quá đỗi vì lúc đó tôi chỉ khoảng 15 tuổi, con nít quá mà mời tôi làm gì? Tôi vô tâm từ chối ngay chẳng nể nang gì cả, chỉ vì tôi nhát và vô ý vô tứ chứ chẳng có ý xấu gì.  Nhưng bác Hiền cứ nói mãi: “Cháu phải đi xem cho biết”. Bác càng mời, tôi càng từ chối khiến bác có vẻ buồn.  Bây giờ sau gần 50 năm nhìn lại, tôi thấy mình có lỗi với bác Hiền nhiều quá.  Cho cháu xin lỗi bác nhé!

 

Khoảng năm 2000, có lần Lệ Thu về Virginia trình diễn, tôi đã đến để nghe cô hát, nhìn tận mặt cô.  Cô vẫn còn đẹp và hát còn hay lắm, làn hơi còn cao vút, đầy đặn, ngân nga sâu lắng.  Khi tan buổi trình diễn, tôi có đến xin chụp ảnh với cô, tôi định hỏi cô có còn nhớ ông T.L.Tá không?  Nhưng lại thôi! Bố tôi lúc đó đang ở Canada, nhắc đến không biết để làm gì.

 

Tôi vẫn theo dõi các sinh hoạt văn nghệ của cô, mỗi khi cô xuất hiện trên chương trình của các trung tâm Asia hay Thúy Nga Paris tôi đều chăm chú nghe cô hát, nhìn từng nét thay đổi của cô trên khuôn mặt hay trên vóc người theo năm tháng nhưng giọng hát vẫn như xưa, đầy nội lực, đầy sức thu hút.  Giọng trầm nhưng không khào khào, lên thật cao, xuống thấp dễ dàng và ngân nga bổng trầm đầy sức lôi cuốn.  Tôi luôn cầu mong cô sống lâu trăm tuổi để tôi và mọi người yêu nhạc Việt Nam từ trước 1975 còn được trông thấy cô, dù sau này cô có già yếu, không còn hơi sức để hát, tôi vẫn còn nhìn thấy cô.  Vì trông thấy cô, là trông thấy một thời quá khứ xa xưa của chính tôi, của Sài Gòn xưa một thủa tràn đầy những dòng nhạc tình đẹp như những bài thơ hay.

 

Thời này, các ca sỹ trẻ có cơ hội học thanh nhạc, được đào tạo có bài bản, họ biết lấy hơi thật sâu, biết tận dụng sức tối đa của hai lá phổi để lên thật cao, hát thật lớn, thật vang dội. Nghĩa là kỹ năng chuyên nghiệp để ca hát rất vững, nhưng nếu không có một giọng ca trời cho hay thiên phú thì sau một thời gian thính giả sẽ chán và chạy theo ca sỹ mới.  

Nhưng những giọng ca thiên phú, có sức lôi cuốn đặc biệt như Lệ Thu, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Chế Linh, Hoàng Oanh, Thanh Thúy, Thanh Tuyền thì họ sẽ hát đến khi nào không còn sức để hát, chứ khán thính giả chẳng bao giờ chán nghe họ hát.

 

Bố tôi đã qua đời vào tháng 9, năm 2019; hưởng thọ 95 tuổi.  Khi bố mất, tôi đã ân hận không hỏi được bố nhiều điều tôi chưa kịp hỏi, vì những năm sau này bố đã bị lẫn nhiều quá, đầu óc không còn mạch lạc nên tôi ít nói chuyện với bố qua điện thoại.

 

Danh ca Lệ Thu đã vĩnh viễn ra đi vào tối thứ Sáu ngày 15 tháng 1, năm 2021. Hưởng thọ 77 tuổi.  Tôi lại tiếc vì Lệ Thu chưa nói hết, kể hết cho chúng ta nghe tất cả những giai thoại về cuộc đời ca hát của cô, gia cảnh của cô từ khi còn bé, bạn bè cũ và mới của cô và mối tương quan đồng nghiệp của cô với những người cùng thời với cô như thế nào.

 

Tôi lại còn tiếc cho hai trung tâm âm nhạc Việt Nam lớn tại Mỹ là Asia và Thúy Nga chưa bao giờ làm live show cho cô, để cô hát thật nhiều trong một show riêng.  Bây giờ khi cô đã vĩnh viễn ra đi, họ chỉ có những đoạn phim ngắn thâu hình từng bài trong các show cũ đem ra chiếu lại cho khán giả xem để tưởng nhớ đến cô.

 

Trong những ngày được tin cô nằm ICU vì Covid-19 hay Covid Vũ Hán, tôi đã cầu mong một phép lạ cho cô được tiếp tục sống, nếu hai lá phổi của cô không hoàn toàn được phục hồi thì ít ra cô vẫn còn nói chuyện được để kể chuyện đời trước cho chúng ta nghe.

Vào tháng 12, năm 2020 khi cô Lệ Thu đang nằm điều trị bệnh covid-19, các bệnh vện tại California đã có thuốc vaccine covid-19 cho các nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu từ bệnh viện đến viện dưỡng lão, trạm cứu thương, chữa lửa.  Qua ngày 15 tháng 1, 2021 khi cô Lệ Thu qua đời thì thuốc vaccine đã được chích cho những người trên 75 tuổi và có bệnh nền. 

Phải chi thuốc vaccine được phát minh sớm hơn 2 tháng thì có lẽ Lệ Thu và nhiều người khác không phải chết vì con cúm Vũ Hán này.

Cô Lệ Thu thoát chết một lần kỳ nổ kinh hoàng ở phòng trà Tự Do tháng 9, năm 1971.  Cô thoát chết trên đường vượt biển tìm tự do năm 1979.  Nhưng cô đã không thắng được cơn bệnh Covid Vũ Hán, hay Covid-19. 

Theo như niềm tin của cô Lệ Thu, thì Trời đã định như thế.  Ngài đã đem cô đi, vì đã đến lúc chấm dứt chuỗi ngày của cô trên mặt đất.

 

Có lẽ trên Thiên Đàng bố tôi đã ra tận cổng để đón tiếp cô khi cô vừa bước vào.  Vì tôi đã đọc cuốn sách “90 Phút Trên Thiên Đàng” (90 Minutes On Heaven) của tác giả Don Piper.  Trong sách này Don Piper kể lại kinh nghiệm đã chết trong một tai nạn xe hơi của mình, tim đã ngưng đập 90 phút, trong thời gian 90 phút này ông đã lên thiên đàng và gặp lại người bạn học đã chết vì một tai nạn lúc 17 tuổi, người này bước ra trước cổng thiên đàng vui mừng đón chào ông, ông thấy bạn ông vẫn trẻ như năm anh ấy 17 tuổi.

 

Như thế, những người quen biết nhau trên thế gian này, khi sống nếu họ có cùng niềm tin vào Thiên Chúa, thì khi chết họ sẽ gặp lại nhau trên thiên đàng. 

 

Danh ca Lệ Thu đã bình yên lìa đời và đã bước vào vùng vinh quanh đầy yên bình và phước hạnh đời đời nơi Thiên Quốc của Đức Chúa Trời, là Đấng đã tạo dựng vũ trụ và loài người.  

Nhưng chắc chắn mọi người Việt Nam yêu nhạc tình ca không thể nào quên được giọng hát vàng ròng của danh ca Lệ Thu, một giọng hát huyền thoại, có lẽ một thế kỷ mới có được một giọng ca đặc biệt như thế.

 

TT-Thái An

1/21/2021

January 23, 2021