Anh Hùng Tử, Khí Hùng Nào Tử Tường Thuý

“ANH HÙNG TỬ, KHÍ HÙNG NÀO TỬ”

(Viết cho người nằm xuống, cố Thiếu Tá Tôn Thất Trân)

     Bây giờ là cuối tháng tư, Tucson sắp vào Hạ, cái nắng không quá gay gắt vì những ngọn gió hiu hiu lạnh của những cơn mưa Xuân còn rơi rớt đâu đây, mang lại cho thành phố một cảm giác vừa gần gũi, vừa xa lạ. Tôi yêu thành phố này, nhưng tôi vẫn không bao giờ quên Sàigòn thân yêu, mà tôi từng sống ở đó , nhất là không bao giờ quên những ngày tháng tư đau buồn ở quê hương tôi, miền Nam VN, nơi những người thân của chúng tôi, những bạn bè của chúng tôi đã vĩnh viễn nằm xuống vì lý tưởng Tự Do, “vì thanh bình cho đất nước và vì an lạc cho dân lành” như  nguyện ước của cố Thiếu Tá Tôn Thất Trân đã viết trong cuốn lưu niệm K20/TVBQGVN.

Tôn Thất Trân anh là ai? Thật tình mà nói, tôi chưa bao giờ được gặp gỡ, quen biết anh ngoài đời, mà chỉ được biết anh qua những đặc san của Binh Chủng TQLC, Đa Hiệu, Hậu Nghĩa, qua lời kể của chồng tôi, Hà Mạnh Sơn/K20, hay những bạn bè cùng khóa, cùng trường Võ Bị QGVN của anh, hoặc những bạn đồng ngũ, bạn chiến đấu của anh mà thôi.

      Thế nhưng, đã không hiểu sao tôi chợt cảm thấy lòng mình có một sự xúc động khó tả, một niềm tiếc thương, một sự kính phục đang trào dâng trong tôi, khi nghe, khi đọc những điều về anh, và ngày hôm nay, tôi ngồi đây viết những dòng chữ này, như một nén hương muộn màng, như một vòng hoa tươi chân thành, xin kính dâng hương hồn người anh hùng của Khóa 20/ VBQGVN, cố Thiếu Tá Tôn Thất Trân. Anh không chỉ là anh hùng của riêng Khóa 20, mà anh còn là một anh hùng vị quốc vong thân của toàn dân Việt Nam, khi anh đã nằm xuống cho chính nghĩa“…vì thanh bình cho đất nước và vì an lạc cho dân lành.” Tổ quốc ghi ơn anh, lịch sử ghi công anh. Chúng tôi những người con dân của miền Nam VN cũng luôn luôn nhớ và ghi ơn anh, cũng như nhớ và ghi ơn những anh hùng tử sĩ của VNCH đã nằm xuống để bảo vệ quê hương, để chúng tôi được sống còn đến ngày hôm nay:

                           … Bao năm qua rồi anh biết không

                               Từ ngày áo chiến đẫm máu hồng

                               Người lính một thời cao ngạo ấy

                             Đã trả xong rồi, nợ núi sông

 

                                            ***

 Anh đã nằm đây, đã ở đây

                             Hình hài che lấp dưới cỏ cây

                             Tên anh muôn thuở luôn sống mãi

                             Hùng khí còn đây, vẫn thật đầy…

                                                (Thương Tiếc – Tường Thúy)

       Anh còn nhớ gì không anh? Nhớ ngày nào anh cũng như bao chàng trai đất Việt, khi Tổ Quốc lên tiếng gọi, đã sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ, gia nhập quân đội để  bảo vệ đất nước, bảo vệ dân lành bằng một bầu nhiệt huyết, một ý chí hào hùng, quyết diệt bọn Cộng Sản  tàn bạo vô lương :

                                         Chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt

                             Xếp bút nghiên theo việc đao cung

                             Thành liền mong tiến bệ rồng

                     Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời…

                                (Chinh Phụ Ngâm- Đoàn Thị Điểm)

                 

Năm 1963, anh đã tình nguyện ghi tên vào học Khóa 20 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Đà Lạt, một quân trường đào tạo các cấp sĩ quan chỉ huy nổi tiếng của vùng Đông Nam Á lúc bấy giờ, với thời gian là hai năm rèn luyện.

        Nếu nói Đà Lạt là vùng “địa linh, nhân kiệt” thì cũng không sai. Nơi đây là một vùng đồi núi chập chùng, suối ngàn, thác bạc nên thơ, với những rừng thông thơm ngát hương nhựa thông xanh, với những mặt hồ lung linh soi bóng mây trời, với những dòng thác  bạc hùng vĩ, với những kỳ hoa dị thảo nở khắp bốn mùa, hơn nữa nơi đây còn có một quân trường nổi tiếng, trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, đã đào tạo, hun đúc  không biết bao nhiêu là nhân tài cho đất nước, những người sĩ quan chỉ huy, trí dũng song toàn, những người lính quả cảm, can trường và bất khuất, mà trong đó có một người mang tên Tôn Thất Trân/K20

     Anh có còn nhớ không, những ngày xưa thân ái đó, nơi anh đã cùng các bạn trải qua những tuần đầu sơ khởi nhọc nhằn của người tân khóa sinh, để nếm mùi “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Từng bước các anh đã làm quen với đời sống quân phong, quân kỷ, với những bữa ăn “vuông góc”, bật dậy theo tiếng kèn báo thức… Rồi dần dần, những đêm dạ hành, những phiên gác đêm, những lần được ra phố gặp gỡ bạn bè, và nhất là những giây phút êm đềm bên người con gái anh quen, dưới rặng thông xanh hay bên dòng thác bạc, đã cho anh cái cảm giác thấy mình trưởng thành hơn, chín chắn hơn và oai vệ hơn trong bộ jaspé hay worsted. Phải thế không anh?

       Thời gian hai năm trôi qua rất nhanh, dù với một khuôn mặt rất trẻ cùng cái lon thiếu uý trên vai, nhưng bầu nhiệt huyết của người lính lúc nào cũng như sục sôi trong người, và, Thủy Quân Lục Chiến là binh chủng đầu tiên được anh chọn để gia nhập sau khi ra trường, đây cũng là một trong những binh chủng nổi danh thiện chiến của Quân Lực VNCH. Cuộc đời binh nghiệp của anh bắt đầu từ bấy giờ, người chiến sĩ này rày đây, mai đó đã đi theo đơn vị trong những cuộc hành quân ở khắp mọi miền đất nước:

  Người trai trẻ khoác áo xanh rừng núi

Anh mang danh người lính chiến Cộng Hòa

Yêu quê hương anh chẳng ngại xông pha

Nơi chiến tuyến đối đầu ngăn bước gịăc

Người lính đó, dù gió mưa cũng mặc

Quyết giữ yên bình cho xứ sở quê hương

Chiến thắng lẫy lừng vang dội bốn phương

Nào Tống Lê Chân, Hạ Lào, Đức Huệ

Nào Cổ Thành, nào Bình Giả, Đức Cơ

Nơi anh đi mầu khói súng phủ mờ

Những người lính của bốn vùng chiến thuật…

                           (Vì anh là lính – Tường Thúy)

      Bước chân của người lính trẻ Tôn Thất Trân đã cùng với những đơn vị ĐĐ1/TĐ1/TQLC, ĐĐ2/TĐ7/TQLC, TĐP/TĐ7/TQLC, TP3/LĐ147/TQLC của mình, chiến đấu, mải miết hành quân qua bốn vùng chiến thuật như: Thung lũng Việt An, Quảng Tín – Rạch Cái Thìa Định Tường – Tết Mậu Thân 1968, GòVấp, Gia Định – Tết Mậu Thân Huế – U Minh Thượng, U Minh Hạ, Cà Mau – Vượt Biên Campuchia – Hạ Lào – Lam Sơn 719, Quảng Trị – Mùa Hè Đỏ Lửa, Trận Đánh Cầu Bến Đá, Mỹ Chánh, Quảng Trị – Đổ Bộ Bờ Biển Mỹ Thủy, Quảng Trị – Chợ Sãi, Triệu Phong, Quảng Trị – Và sau cùng anh về Hậu nghĩa với cuộc hành quân An Ninh Lãnh Thổ Đức Hòa,Tiểu Khu Hậu Nghĩa, với chức vụ TĐT/TĐ327/ĐPQ/TK Hậu Nghĩa.(Lê Tấn Tài/K20). Không nơi nào là không hằn dấu chân anh. Và với những trận đánh oai hùng tiêu giệt giặc Cộng, những lần nằm gai nếm mật cùng với bạn bè, với đồng đội, những lần truy đuổi kẻ thù trong đêm tối hay trong mật khu của địch, hẳn anh đã thỏa mãn được trí tang bồng hồ thỉ của người trai thời chiến, đúng như ý nguyện của mình:

   “… Thích cuộc sống hào hùng, đầy nguy hiểm và thử thách trong tương lai.”

                                                         (Tôn Thất Trân – Lưu niệm K20).

Có phải như vậy không anh?  Rồi nhất là trong trận đánh tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, một trận chiến oanh liệt khét tiếng trong lịch sử chiến đấu cùa QLVNCH, mà báo chí ngoại quốc không ngớt lời khen tặng các quân binh chủng đã tham chiến, anh đã được vinh dự nhận Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, khi đã anh dũng cùng các đồng đội, cùng các binh chủng khác của QLVNCH, đánh bật giặc thù, chiếm lại Cổ thành và cắm lên đó lá cờ vàng bất diệt của Tổ quốc Việt Nam.

                            

                          Cờ ngạo nghễ bay, Cổ Thành ghi dấu

                          Chiến tích oai hùng Quân Lực Việt Nam

                         Thuỷ Quân Lục Chiến, Nhẩy Dù chiến đấu

                         Bên Biệt Động Quân anh dũng vô vàn

                                                                      Tường Thúy

                                    

          Ngày 1/11/1971, anh được thăng cấp Đại Uý thực thụ, đầu năm 1974 anh lại được thăng cấp Thiếu Tá. Và cấp bậc cuối cùng của anh trước khi bị thủ tiêu bởi sự hận thù của những tên giặc đê hèn CS là Thiếu Tá/TĐT/TĐ327/ ĐPQ /Tiểu Khu Hậu Nghĩa.

         Nói về cuộc đời binh nghiệp, cũng như con người của người anh hùng Tôn Thất Trân, các bạn chiến đấu, bạn đồng ngũ, qua những bài viết, đã nhận xét về anh:           

        “… Là một người trai thời loạn, mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, dù đã được phân phối về TTHL/TQLC, Rừng Cấm, Thủ Đức. Nhưng anh đã tình nguyện xin đi chiến đấu vì anh nghĩ chiến đấu mới là đất dụng võ, chiến đấu mới là nơi anh có thể phát huy được tất cả những khả năng của một vị sĩ quan chỉ huy và anh đã được thuyên chuyển về TĐ1/TQLC. Từ đây bước chân quân hành cũng như những chiến công gặt hái được của người lính chiến này đã trải qua khắp bốn vùng đất nước, lần lượt qua các chức vụ Trung Đội Trưởng, Đại Đội Trưởng, Tiểu Đoàn Phó v…v…”

                                                          ( MX Quái Điểu Lê Văn Châm) 

 …’’ Riêng tôi muốn nhắc nhớ  đến một người hiếu thảo với gia đình, một chiến sĩ xả thân vì đất nước, một người bạn chân tình với mọi người….Anh là Tôn Thất Trân, tính tình vui vẻ, điềm đạm,c ương trực, không nịnh hót , không chèn ép bạn bè hay thuộc cấp.

Năm 1972, anh bị thương lúc đụng độ ác liệt với quân CSBV trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa tại Quảng Trị.  Anh không chịu tản thương đến khi bị thương lần thứ hai, anh đành phải rời vùng lửa đạn. Nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành xuất sắc, ai cũng kính mến và thương yêu anh…”

                   (MX Thần Tiễn Lưu Văn Phúc – Chuyện cũ ghi lại – Đa Hiệu 107)

     “….Nhìn tướng ông đứng sững mặc dầu pháo vẫn rơi. Núp dưới hố, tôi ngưỡng phục sự gan dạ của Đại Úy Trân. Tôi nói với H/S Tài:

 _ “Sao ông thầy ngon lành quá vậy, bình thường trông ông hiền lành, nói nghe yếu xìu mà bây giờ trông oai phong ra phết. Đại đội 3 nhờ gương anh dũng chiến đấu của ông từ Campuchia đến Hạ Lào, nếu không thì Đại đội 3 sẽ chịu nhiều thương vong,”

  …Ngày 2/5/1972, một ngày nắng gắt, Đại Úy Trân ra lịnh gài mìn chống xe tăng địch. Chiều tối có tiếng xe tăng của địch đang di chuyển từ hướng Bắc xuống, Đ/U Trân lịnh cho toán M72 sẵn sàng. Một loạt M72 nổ, hai T54 và một PT76 bị bắn cháy ngay giữa cầu Bến Đá. Thành phần thiết giáp còn lại giật lùi trốn chạy trong các xóm làng bờ Bắc con sông.Tiếng Đại Úy Trân vang trong máy truyền tin với Thượng Sĩ 1 Thái Công Lựu, Trung Đội Phó Trung Đội 3/ ĐĐ3:

  _ “Thằng 3 đánh một trận diệt tăng địch để đời, ráng chăm sóc anh em, đợi Lê Lai về. (Thiếu úy Lai bị thương đang nằm bệnh viện)

     Tiếng nói người anh cả của Đại Đội (Đ/Úy Trân) làm tôi thấy ấm lòng khi nhớ đến lời trấn an lúc tôi bị thương ở Hạ Lào.”

                            (MX Hùm Xám Nguyễn Tín – Chuyện cũ ghi lại –Đa Hiệu 107)

        Sự chiến đấu gan dạ, hào hùng, quả cảm của anh, người hùng Tôn Thất Trân, đã được đánh dấu bằng những tấm huy chương đỏ rực trên ngực áo, nào là Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương với Nhành Dương Liễu, nào Chiến Thương Bội Tinh, rồi 5 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, 2 Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Vàng, 1 Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Bạc. Tất cả đã làm nức lòng những người bạn, những thuộc cấp của anh. Anh đã truyền thêm dũng khí cho họ, và cũng như lối sống, tư cách, tính tình của anh, đã khiến cho anh được nể vì. Trong lòng mọi người, sự kính phục và yêu mến anh không bao giờ phai nhạt. Anh có biết không?

        Riêng với tôi, tôi không thể viết về người anh hùng Tôn Thất Trân như những gì các bạn anh đã viết, nhưng cái hào khí hơn người của anh, cái tâm, cái trách nhiệm của một người chỉ huy đối với những binh sĩ dưới quyền, đã không màng đến tính mạng mình, khi bị thương anh đã không chịu về hậu tuyến để chữa trị:

           _“Tôi biết hết các nguyên tắc về lãnh đạo chỉ huy ở cấp Đại đội, nhưng mấy ngày nay tôi đã nắm vững địa thế, địa hình cũng như tình hình địch. Nếu đưa người khác vào đây, họ phải làm lại từ đầu, có khi còn gây thêm tổn thất cho binh sĩ chứ không phải tôi say máu ngà đâu.” 

(MX Đỗ Phú Ngọc – Hùng Khí Tôn Thất Trân)

        Cũng như sự bất khuất, cao ngạo và kiên cường của anh trước kẻ thù, anh vẫn không chịu buông vũ khí, anh thà chết vinh chứ không chịu sống nhục.Thiếu Tá Tôn Thất Trân đã khẳng khái trước mặt quân thù dù cho đã bị “gẫy súng”, cái Dũng của anh đã được thể hiện rất rõ ràng qua câu nói dõng dạc:

           _ “Tôi là Thiếu Tá Tiểu đoàn trưởng 327, theo lệnh thượng cấp dẫn đơn vị về đây để bàn giao chứ không phải để các anh tước vũ khí và đầu hàng.”

                                                    (MX Đỗ Phú Ngọc – Hùng khí Tôn Thất Trân)

         Tất cả những điều đó đã thật sự làm tôi xúc động, đã cho tôi cái cảm xúc để viết về anh, để vinh danh anh. Thật đáng nể làm sao, giữa một bầy lang sói hung hãn như thế mà anh không hề biết khiếp sợ là gì. Tiếng nói hào hùng của anh dường như còn văng vẳng đâu đây. Tôi đã tưởng tượng ra dáng vẻ hiên ngang và ngạo nghễ của anh khi đối đáp với quân thù. Anh quả không hổ danh là một Tiểu Đoàn Trưởng, sĩ quan chỉ huy của Tiểu đoàn 327/ĐPQ và nhất là không thẹn với danh xưng của một người cựu sinh viên sĩ quan xuất thân từ một quân trường nổi tiếng, TVBQGVN.

        Sự kính phục và ngưỡng mộ anh sẽ luôn luôn còn mãi trong tôi, trong lòng những người bạn bè quen biết và quý mến anh:  Người anh hùng Tôn Thất Trân.                                                                                                                                                                                  

      “Rừng lá xanh xanh lối mòn chạy quanh, đời lính quen yêu gian khổ quân hành, nghe từ ngày thơ tiếng súng triền miên, đánh giặc lâu bền cho non nước  bình yên…”

                                             (Rừng lá thấp – Trần Thiện Thanh)

     “Đánh giặc lâu bền cho non nước bình yên” đó là ước nguyện của những người lính VNCH, trong đó có anh. Anh đã chẳng từng viết: “Thích cuộc sống hào hùng, đầy nguy hiểm và thử thách trong tương lai. Nguyện dấn thân để nối gót các bậc đàn anh, góp phần đem lại thanh bình cho đất nước, và an lạc cho dân lành” hay sao?     

        Sự can trường, bất khuất, của cố Thiếu Tá Tôn Thất Trân làm tôi lại nhớ đến biết bao câu chuyện tôi đã được đọc, được nghe kể về những người sĩ quan, những người lính của một quân đội kiêu hùng như “Ngũ Hổ Tướng Quân của Quân Lực VNCH,” các vị Tướng tiết tháo đó là: Cố Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, cố Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, cố Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, cố Chuẩn tướng Trần Văn Hai, cố Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, đã tự sát theo tinh thần Phan Thanh Giản, thành mất tuẫn tiết theo thành, để không lọt vào tay giặc. Ngoài ra còn biết bao nhiêu những anh hùng vô danh khác, thuộc đủ mọi binh chủng, mọi cấp bậc, từ người lính đến những người sĩ quan, giống như anh Tôn Thất Trân, các vị ấy cũng đã từng anh dũng chiến đấu, đã từng hiên ngang không chịu khuất phục đầu hàng bọn Cộng Sản, nên cuối cùng phải tuẫn tiết hoặc bị chúng hạ sát như cố Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, cố Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long v…v… để bảo vệ mầu cờ, sắc áo của quân đội mình. Riêng về K20, những người bạn đồng khóa của cố Thiếu tá Tôn Thất Trân, chúng ta phải kể đến cố Thiếu tá Huỳnh Tuý Viên dù bị bắt trong tay gìặc anh quyết không đầu hàng, chúng hành hạ thân xác anh thật dã man trong ba ngày và cuối cùng anh đã bị chúng xử bắn tại sân vận động Cà Mau. Còn cố Đại Úy Hoàng Đình Đạt, hai lần được lệnh rút lui, nhưng anh không bỏ đồng đội, tuy đã bị thương anh vẫn cố tử thủ cùng binh sĩ dù biết giặc đang tấn công bằng chiến thuật biển người, và kết quả anh đã hy sinh trong tay giặc ngày 15/4/1975.

                       

                                       Cố Thiếu tá Huỳnh Túy Viên         

                           Quận Trưởng Quận Đầm Dơi,    Tỉnh Cà Mau

                     

 

 

Cố Đại Úy Hoàng Đình Đạt

  Chị Hoàng Đình Đạt đã kể cho tôi nghe về chồng mình trong dòng nước mắt đau thương, nhớ nhung người chồng đã khuất. Nếu như vợ của những người lính khi chồng họ đã nằm xuống, đã hy sinh vì chính nghĩ, vì Tự Do của dân tộc, họ luôn hãnh diện về chồng mình, thì chị cũng như họ, trong sự thương đau chất ngất của mình, lời tâm sự nghẹn ngào ấy cũng luôn ẩn chứa một niềm kiêu hãnh về anh, về người lính Võ Bị/K20 của Trung Đoàn 52, Sư Đoàn 18 Bộ Binh,

       Chị luôn biết ơn những người bạn đồng khóa, đồng trường với Tình Tự Võ Bị ngày ấy, đã giúp chị tìm được xác chồng mình, còn bây giờ… chị không nói tiếp chỉ nhìn tôi bằng cặp mắt đầy lệ và thở dài, tôi cũng đưa tay gạt nhẹ những giọt nước mắt, mà qua câu chuyện kể của chị, đã rơi xuống còn đọng trên má mình.Tôi cũng ngầm đồng ý với chị về những điều mình thấy, nhưng tôi cũng chỉ được phép cảm nhận, chỉ được buồn, mà không có quyền nói về cái Tình Tự Võ Bị, niềm kiêu hãnh của chồng mình.

         Dù không phải là người trong quân đội, nhưng là vợ của một người lính, tôi cũng hiểu được một phần nào sự gian khổ cùng cực của những người lính chiến đấu, thuộc mọi quân binh chủng của Quân Lực VNCH, bằng chính những cảm nhận, những tâm tư của mình, hay qua lời kể của những người thân, những người bạn trong quân đội, hoặc qua báo chí. Hơn nữa tôi cũng đã từng xem những phóng sự chiến trường trên truyền hình, cũng đã từng có những hồi hộp, những lo lắng khi theo dõi bước chân của các anh trong những trận chiến khốc liệt, dù rằng những lo lắng này, những hồi hộp này chỉ là một phần vạn, phần triệu những gì thật sự mà các anh đang phải đối mặt. Hình ảnh người lính chùm poncho nằm dưới cơn mưa tầm tã, hình ảnh đoàn quân đang lội một cách khó khăn trong những vũng lầy, nước ngập ngang lưng với khẩu súng dơ lên cao để bảo vệ vũ khí của mình, hay hình ảnh anh lính cõng người bạn bị thương trên lưng, đã làm lòng tôi xót xa, tê tái. Có nhìn thấy những làn đạn pháo, sáng rực trong đêm thay cho những đốm hỏa châu trong thành phố, hay hình ảnh các anh với quân trang, quân dụng đeo trên người, đứng dưới cái nắng gay gắt, để chờ chuyến trực thăng đổ bộ ra mặt trận, mới thấy sự hy sinh to lớn của các anh như thế nào, mới biết thương và cảm phục các anh như thế nào.Và trong đám người ấy biết đâu chẳng có người thân, có bạn bè cũa chúng tôi và biết đâu nữa đã chẳng có anh, anh Tôn Thất Trân. Rồi sau những chuyến trực thăng vận ra chiến trường ấy, hay sau những chuyến hành quân băng rừng, lội suối, đụng độ với quân thù, bất kể ngày hay đêm, ai sẽ là người còn, ai sẽ là kẻ mất, hay may mắn hơn, sẽ chỉ để lại một phần thân thể mình trên mảnh đất quê hương khốn khổ, đau thương vì chiến tranh này:

         “Hỡi người chiến sĩ đã để lại cái nón sắt bên bờ lau sậy này. Bây giờ anh ở đâu? Bây giờ anh ở đâu? Còn trên đời này, đang xông pha đèo cao dốc thẳm, hay đã về, về bên kia phương trời miên viễn chiêm bao…”

                          (Người tình không chân dung – Hoàng Trọng)

       Có ai không cảm thấy đau xót, không cảm thấy não lòng?

       Rồi khi các anh đang xông pha trên chiến địa, chiến đấu vì sự tồn vong của đất nước, vì sự an bình cho người dân, thì những người ở lại chỉ còn biết tự hỏi những câu hỏi xót xa đắng lòng:

       “Giờ này anh ở đâu Không quân vỗ cánh đại bàng? Giờ này anh ở đâu Thủy Quân Lục Chiến kiêu hùng?Giờ này anh ở đâu vượt đường xa Thiết Giáp anh tung hoành?Anh ở đâu?…Anh ở đâu?

                                                          ( Giờ này anh ở đâu?- Khánh Băng)

       Và sẽ có mấy ai biết được câu trả lời là gì? Tất cả những người ở hậu phương chỉ có một ước nguyện nho nhỏ là nếu khi các anh đã nằm xuống, trong cuốn lịch sử của quân binh chủng mình, xin có một tờ dành riêng để đưa hình ảnh các anh dưới tiêu đề “Anh Hùng Tử Sĩ” hay “ Vị Quốc Vong Thân” với một hàng chữ be bé , như trên tấm mộ bia: Tên…Cấp bậc…Đơn vị…Tử trận: ngày…tháng… năm …Tại… đơn giản thế thôi, để người thân các anh được an ủi rằng các anh cũng có mộ bia, không là “chiến sĩ vô danh”. Xin đừng để người đã nằm xuống vì Tổ Quốc, vì Quê Hương, vì Dân Tộc, phải tủi vong linh khi đã là người khuất mày, khuất mặt rồi nay lại phải khuất cả tên nữa. Mọi người rồi sẽ không còn nhớ đến các anh là ai, tên các anh sẽ bị mai một và ơn của các anh sẽ bị vùi lấp trong lãng quên. Có buồn lắm không? Thử hỏi trong chúng ta, có ai muốn mình trở thành kẻ vong ơn bội nghĩa với những người tử sĩ, đã hy sinh mạng sống của mình để cho dân chúng, trong đó có chúng ta, được sống an lành, cho quê hương được mãi mãi yên bình không??????

        Nhớ lại những ngày xa xôi ấy, đã có những lần tôi không ngủ được khi nghe trong đêm, tiếng bánh xe nhà binh chuyển quân chạy ngang thành phố. Tôi bước ra lan can, ngồi xuống thềm đá lạnh, nhìn những đoàn xe đi qua và cũng đã từng tự hỏi: Sau chuyến hành quân này, ai sẽ là người được trở về và ai sẽ vĩnh viễn ra đi bỏ lại sau lưng mình tất cả những thương yêu, những ràng buộc, những trách nhiệm, bỏ lại tất cả những ước mơ tươi đẹp, những khát vọng về một tương lai rực sáng.

Những cuộc chia lìa khởi sự đây

Cây đàn xum họp đứt từng giây

Sao nhà ga ấy, sân ga ấy

Chỉ để cho lòng dấu biệt ly

Những đôi mắt ướt nhìn đôi mắt

Buồn ở đâu hơn ở chốn này.

    (Bóng người trên sân ga – Nguyễn Bính)

     Các anh có biết rằng ngày tiễn các anh ra đơn vị chiến đấu để bảo vệ quê hương, những người thân yêu của các anh đã đặt vào các anh niềm tin tuyệt đối, các anh sẽ chiến thắng và sẽ trở về. Họ hy vọng, họ đợi chờ ngày các anh trở về trong vòng tay thương yêu, trìu mến của người cha già, mẹ yếu, người vợ trung trinh, cũng như của mọi người trong gia đình. Lúc đó, họ sẽ lắng nghe các anh kể về những trận đánh oai hùng của anh có tiếng đạn nổ, bom rơi, họ sẽ vui mừng khi các anh thoát được cái chết cận kề, cũng như họ sẽ xót xa, lo lắng về những vất vả, khổ sở, những hiểm nguy mà lúc nào cũng bủa vây các anh.

     Thế nhưng niềm hy vọng này, niềm tin này còn được bao nhiêu, hay chỉ còn lại những đau thương khi những vành khăn tang trắng được chít vội lên đầu họ, vì sự hận thù, sự khát máu, vô nhân của loài quỷ đỏ phương Bắc và …tôi đã buồn, đã khóc. Tôi khóc cho thân phận những người lính còn quá trẻ, trong đó có bạn bè, có người thân của chúng tôi.

      Tôi đã nhớ đến bố chồng của tôi, cố Đại Uý Hà Quốc Ân, Phó Tỉnh Trưởng Nội An, tỉnh Quảng Ngãi. Bố tôi cũng đã anh dũng hy sinh vào ngày 11/10/1961, trong một cuộc hành quân giải tỏa đồn Gia Vực, quận Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, khi tình nguyện chỉ huy thay thế cho vị Quận Trưởng bị bệnh bất ngờ. Bố đã được truy tặng Bảo Quốc Huân Chương Đệ Ngũ Đẳng kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu. Lúc đó Bố tôi cũng còn rất trẻ và sự ra đi của Bố đã để lại bao thương tiếc, đớn đau cho cha già, mẹ yếu, cho người vợ trẻ và đàn con thơ, một sự mất mát to lớn mà không gì có thể bù đắp nổi, không gì có thể thay thế nổi.

     Cái tham vọng ngông cuồng vô nhân tính của loài quỷ đỏ CS Bắc Việt muốn thôn tính miền Nam theo lệnh Nga Sô, Trung Cộng, đã gieo không biết bao nhiêu là tang tóc thê lương cho người dân của miền Nam, và ngày 30/4/1975 đã thở thành một nỗi đau thương vô bờ bến của toàn dân miền Nam Việt Nam.

        Sau ngày 30/4 /1975 khi miền Nam hoàn toàn bị cưỡng chiếm, CSBV đã tắm máu người dân bằng những thủ đoạn đê hèn, tàn ác. Biết bao gia đình đã tan nát, đau thương bởi sự trả thù khốn nạn của bè lũ Cộng Sản khát máu, vô lương. Những đứa trẻ thơ vô tội đã phải mất cha, những người vợ trẻ đã phải mất chồng, cha mẹ già mất con, và gia đình cố Thiếu Tá Tôn Thất Trân cũng là một trong những gia đình phải chịu sự đau đớn, tang tóc này. Anh Tôn Thất Trân đã nằm xuống bởi sự hận thù hèn hạ của lũ giặc khát máu CS:

         “Giặc đã không dám công khai giết anh tại chiến trường, mà lén lút dẫn anh vào khu rừng dừa nước rậm rạp để hạ sát anh tại Bình Chánh, Gia Định ngày 1/5/1975. Mãi đến 32 năm sau gia đình mới tìm được xác “Anh hùng vị quốc vong thân”

                                    (MX Tô Văn Cấp K19/TVBQGVN)

            Anh Tôn Thất Trân ơi,  anh đã đi rồi, đi xa rồi, linh hồn anh bây giờ đang ở đâu, ở nơi vùng trời miên viễn xa xôi nào, anh có hay sự ra đi của mình đã làm tan nát trái tim người vợ trẻ, ngày đêm hằng mong ngóng bóng dáng anh trở về, và đứa con thơ, cháu Tôn Nữ Thanh Tâm mới được sáu tháng chưa một lần biết bập bẹ tiếng gọi cha, đã phải chịu quấn vội trên đầu một mảnh khăn tang trắng? Anh có nghe thấy tiếng khóc của họ không anh? Còn cha, còn mẹ, còn anh chị em, những người thân yêu của anh, họ đã phải đau đớn biết bao nhiêu về sự mất mát to lớn này, anh có hay gì không anh? Gia đình anh luôn luôn sẽ còn nhớ đến anh, nhớ tiếng cười, giọng nói, nhớ hình, nhớ dáng của anh, làm sao quên được đây? Bao giờ quên được đây?

       Bài thơ làm bằng máu lệ tự con tim của người chị khóc em mình, còn xót xa nào bằng:

                Tháng năm ngày giỗ chú Trân

                   Linh hồn của chú quyện cùng nước non

                       Ra đi khắp bốn phương trời

                   Miệng cười thỏa mãn, chí trai vẹn toàn

                       Anh hùng vị quốc vong thân

                   Đầy bầu nhiệt huyết không hàng địch quân

                       Đạn bay kết liễu tấm thân

                   Chú đành ngã gục, bãi bùn chôn thây

                       Thịt xương bón đất quê hương

                   Cỏ cây xanh tốt máu đào nuôi thân

                        Thương cho chú tuổi còn son

                   Mới ngoài ba chục hy sinh cuộc đời

                        Thắp hương ghi tạc tấm lòng

                   Gia đình nhớ chú người em trai hiền

                        Khói hương bay tỏa khắp phòng.

                   Hồn thiêng chú hãy hiện về thăm anh.

                                              (Khóc em – Chị Bầu Trai)        

          Mất anh, gia đình anh mất đi một người con hiếu thảo, một người em thân yêu, một người chồng yêu dấu, một người cha gương mẫu, bạn bè anh đã mất đi một người bạn hiên ngang, bất khuất và tổ quốc mất đi một cánh tay bảo vệ đất nước, quả cảm, can trường như anh.

         Biết nói gì đây khi anh đã ra đi rồi, vâng nay anh đã xa rồi, đã ngàn thu vĩnh biệt với trần gian, bây giờ những gì thuộc về anh trên cõi đời này, anh đã rũ bỏ tất cả để thảnh thơi về miền vĩnh phúc. Những chiến công, những huy chương, những yêu, thương, giận, ghét, tất cả thuộc về cuộc đời, anh trả lại cho cuộc đời vì đó chỉ là phù du, ảo ảnh mà thôi. Có còn chăng chỉ còn là những ký ức, những kỷ niệm, ở trong tận cùng tâm hồn của mọi người, về anh, về một hình bóng thân yêu ngày nào, mà không bao giờ xóa mờ được. Anh sẽ sống mãi trong lòng những người yêu mến anh, bạn bè của anh. Tên của anh rồi sẽ luôn được ghi nhớ, sẽ chẳng bao giờ trôi vào trong lãng quên đâu anh, người anh hùng Tôn Thất Trân.

                             Nhưng rồi thanh sử thêm trang nữa

                             Anh đã ra đi giữa núi đồi

                             Bao kẻ tiếc thương người tử sĩ

                             Em về đau đớn mãi không vơi

                                                888

                             Thôi hãy ngủ yên dưới mộ phần

                             Chiều nay chợt dậy nỗi bâng khuâng

                             Tóc tang ngày ấy chưa mờ xóa

                             Em gọi tên anh mấy vạn lần

                                                (Gửi người dưới mộ – ViVân)

        Xin cho một lần được nói lời vĩnh biệt cùng anh, dù có hơi muộn màng. Ngoài những người thân, bạn bè của anh, chúng tôi, những người được biết anh vào thời khắc này cũng sẽ không bao giờ quên tên anh, cố Thiếu Tá Tôn Thất Trân, người anh hùng của toàn dân VN. Anh xứng đáng nhận được sự trân quý này của mọi người, sự tiếc thương này của mọi người. Xin hãy an nghỉ và xin nguyện cầu cho anh linh của anh được thanh thản nơí cõi Thiên Đường thênh thang.

         Tiếng hát của người ca sĩ vang lên từ một đĩa nhạc, nghe thật buồn, để lòng tôi chợt thấy như chùng xuống:

         “ …Anh nằm xuống cho hận thù vào lãng quên, tiễn đưa nhau trong một ngày buồn,  đất ôm anh đưa về cội nguồn, rồi từ đó, trong trời rộng đã vắng anh, như cánh chim bỏ rừng, như trái tim bỏ tình, nơi đây một lần, nhìn anh đến những xót xa đành nói cùng hư không….

          Thôi xin đành khép lại ở đây, vì nếu tiếp tục, tôi sẽ khóc mất…Ngoài trời hình như sắp mưa, và có thể cơn mưa này sẽ dai dẳng.

                                               

                                                                   Tường Thúy

                                                             Tucson – AZ – 2016

April 12, 2020