9. Bình luận đề tài văn chương & ca dao tục ngữ VN

Bàn luận đề tài:  “Người là cây –  Đời người không phải là chiếc lá!”    

Quý anh chị kính mến,

Tối nay Cung Lan kính mời quý anh chị  đọc bài tiểu luận “Người là cây –  Đời người không phải là chiếc lá ” của Cung thị Lan nha. Nếu quý anh chị thấy lý luận của Cung Lan sai hay đúng ở điểm nào. Kính xin quý anh chị cho Cung Lan vài giòng vì sao sai hay vì sao đúng nha. Cung Lan chân thành cảm ơn quý anh chị. Thương chúc quý anh chị một buổi tối êm đềm, đầm ấm. CTL

 
 Người là cây –  Đời người không phải là chiếc lá    
Cung Thị Lan
Bởi kiếp người ngắn ngủi và con người đều phải chết;cho nên, mỗi lần thu đến, nhìn lá thu vàng rơi, mọi người cho rằng cuộc đời con người  giống như chiếc lá. Hình ảnh lá mới nhú mầm, nhỏ nhắn xanh non, trưởng thành, xanh đậm, sau chuyển dần thành màu vàng úa và bỗng chốc rụng xuống đất chẳng khác gì đời của người qua các giai đoạn ra đời, niên thiếu, trưởng thành, già yếu và từ trần.
Thực tế, cuộc đời của mỗi con người trên thế gian không giống nhau. Không phải ai cũng qua các giai đoạn sinh trưởng, già nua, yếu ớt và từ giã cõi đời như cuộc đời của lá. Con người không có cùng giai đoạn bệnh hoạn, không cùng giai đoạn già nua và cũng không cùng chết như cảnh lá vàng rơi rụng cùng một lúc trong mùa thu. Có những người chưa từng qua giai đoạn trẻ thơ, niên thiếu đã qua đời từ ngay từ lúc mới sinh ra. Có người chưa đến tuổi già đã trút hơi thở cuối cùng khi còn trai trẻ. Như thế, không thể ví cuộc đời của con người như cuộc đời của lá.
Theo quan niệm của người viết, người là cây và cuộc đời của con người là  cuộc đời của cây. Giống như cây, con người cần ánh sáng, nước, không khí, dưỡng tố và môi trường sống lành mạnh để phát triển. Cây phát triển từ lúc nhú mầm đến khi đơm hoa, kết trái như con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành và sinh sản.
            Có lẽ các bậc tiền nhân cũng  nhận thấy cây là biểu tượng của con người nên đã sử dụng khá nhiều hình ảnh của cây trong các câu ca dao tục ngữ. Như “Tre già măng mọc” cho chúng ta thấy hình ảnh người già, thế hệ cao niên mất đi, người trẻ, thế hệ trẻ sẽ kế vị tiếp bước.
Qua hình ảnh măng và tre, tổ tiên ta còn căn dặn rằng:“Uốn tre uốn lúc còn măng”, “Tre non dễ uốn”, “Măng không uốn, uốn tre sao được!” để nhắn nhủ chúng ta nên dạy con từ thưở còn thơ. Nếu không dạy con trẻ từ lúc còn nhỏ, sẽ rất khó dạy khi chúng đã trưởng thành.
 “Cây ngay không sợ gió”cho thấy rõ hình ảnh người sống ngay thẳng cương trực không sợ gièm pha, nói xấu. Cây trong “Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” nhấn mạnh giá trị của sự hợp lực và đoàn kết.
Và cây trong câu thơ lục bát:
“Cây xanh thì lá cũng xanh
Cha mẹ hiền lành để đức cho con”
đề cập đến thuyết nhân quả đồng thời nhấn mạnh sự di truyền và luân chuyển những điều tốt đẹp từ đời này sang đời khác.
Đọc đến đây, bạn đọc sẽ thắc mắc về giai đoạn cuối của đời người ở đâu trong bài viết?  Thưa rằng: Chẳng khác cây, người sẽ chết dần mòn và trở thành người thiên cổ khi thiếu những điều kiện cần thiết như ánh sáng, không khí lành mạnh, dưỡng tố và môi trường sống; tuy nhiên, “Chết không có nghĩa là hết!” Khi nhắm mắt xuôi tay, chúng ta ngỡ cuộc đời của  mình đã chấm dứt. Kỳ thật,  cuộc sống của chúng ta vẫn tiếp tục tiếp diễn trong thế giới loài người như cây cối tiếp tục phát triển trong thế giới của cây. Thử nhớ lại những cây cối mà bạn đã từng quan sát. Có những cây cao to đã từng bị cưa, chặt vẫn tiếp tục phát triển cành mới  và nhánh mới. Ngay cả khi cây bị bứng gốc, bị diệt tận rễ tưởng đâu hết kiếp nhưng cuộc sống của chúng vẫn còn luân chuyển qua những hạt mà chúng sản sinh từ mùa trước. Hạt mang đặc tính riêng của từng loại và  mầm sống để tiếp tục phát triển thành cây con, để tiếp tục sống và tiếp tục sinh sôi nẩy nở. Con người chúng ta cũng như thế! Cho dù chúng ta trở thành người thiên cổ, tế bào của chúng ta tiếp tục luân chuyển trong thân thể của con cháu chúng ta. Chúng tiếp tục trưởng thành, tiếp tục sinh sôi trong các thế hệ kế tiếp. Những người độc thân sẽ mỉm cười chế giễu rằng đây là ý nghĩ cûa một kẻ ngông cuồng. Sẽ có lý luận rằng: “Làm gì có chuyện sinh sôi nẩy nở khi thân xác của ta không còn ở trên đời?”
Vậy có bao giờ bạn nghe những câu nói này chưa? “Anh A. giống ba và ông nội như đúc!” “Tính tình của cháu B. giống y chang bác  cả!” “Thằng C. có khiếu âm nhạc giống hệt cô Tư của nó!”… Như  thế, rõ ràng rằng: Có sự di truyền từ đời này sang đời khác. Ngay cả khi bạn ở trong tình trạng độc thân, cháu  chắt từ bà con của bạn cũng lưu truyền một phần huyết thống của bạn.
Ba của tôi qua đời từ lúc tôi chỉ có ba tuổi rưỡi. Rồi từng ngày lớn lên, mỗi khi nghĩ về ông, tôi luôn cảm thấy tiếc nuối và xót xa vì sau cái chết của người cha tài năng, tôi không được ông truyền cho những năng khiếu và phẩm chất mà ông có. Tuyệt vọng vì không thể học hỏi những gì từ người thân yêu đã  yên nghỉ nơi chín suối trong hoàn cảnh cơ cực của gia đình mẹ góa con côi, tôi chơi vơi và bất lực trong đời sống khốn cùng. Tôi không bao giờ nghĩ mình có thể học hết bậc trung học, không thể nào làm được những gì ba mình đã làm khi ông còn sống. Thế mà trong hoàn cảnh làm lụng vất vả ở xứ người với ba con nhỏ, tôi đã lấy được bằng cử nhân rồi thạc sĩ, viết văn thơ, biết nấu những món ăn ngon và làm nhiều thứ thuộc về nghệ thuật. Mỗi khi hồi tưởng tất cả những việc mình làm để xét lại bản thân, tôi giật mình nhận ra những việc tôi làm hiện tại là những việc mà ba tôi thường làm khi ông còn sống. Tôi đã thành công nhờ tính ham học, cần cù và kiên nhẫn. Những đức tính mà mọi người trong đại gia đình nội tôi đều nhắc đến khi nói về ba của tôi. Qua chuyện này, tôi nhận ra là ba tôi không hề chết, không hề mất hay tan biến trong cuộc đời. Ông vẫn còn hiện hữu trong tôi trong suốt thời gian sống của tôi. Từ đó, tôi cảm thấy thanh thản và nhẹ nhàng với hai chữ sinh và tử.
            Chúng ta có thể giảm bớt sự bi quan trong cuộc sống khi chúng ta xem bản thân là phần tử nhỏ trong tổng thể. Tổng thể của chúng ta là thế giới loài người. Thế giới loài người khác thế giới loài cây là: Cây là thực vật vô tri. Còn loài người chúng ta  là cây có tri giác. Chúng ta khác cây là chúng ta biết suy nghĩ, nhận thức để làm điều đúng đắn và hợp lý. Từ đó, chúng ta có thể tạo được một cuộc sống  ý nghĩa và có ích. Trong khi rừng cây phát triển hay không thể phát triển phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Chúng có khi là khu rừng rậm rạp, tươi xanh, có khi là khu rừng hoang phế khô cằn, với hàng hà cây chết khô. Thì con người chúng ta có thể chủ động tạo cho mình một môi trường an toàn và nhân bản để cùng  sống vui và phát triển mạnh khỏe.  
Nếu chúng ta ý thức đời người không ngắn ngủi như chúng ta từng nghĩ, chúng ta sẽ xóa tư tưởng bi quan yếm thế. Chúng ta sẽ không còn trầm tư mặc tưởng hay lo toan cho hành trình sau khi chết. Chúng ta cũng sẽ không còn buồn khổ khi nghĩ đến chuyện được lên  thiên đàng  hay  xuống địa ngục. Với sự thông minh của con người, chúng ta tự tạo một thiên đường vui vẻ lạc quan yêu đời ngay trên trần thế và xóa tan những tư tưởng âu sầu, chán nản bi quan của chốn địa ngục. Có như thế, chúng ta sẽ trách nhiệm nhiều hơn đối với cuộc sống của chúng ta, của những thế hệ mai sau để cùng bảo tồn sự sống tốt đẹp của toàn nhân loại.
Cung Thị Lan
 

Bài “tiểu luận” vừa đúng vừa hay nhưng khẩu khí “già chát”…không trẻ trung như tác giả.

Măng non chắc chắn là dễ uốn rồi…Nhất Hùng thắc mắc, tre già làm dầm nhà (dưới miền tây), cây nào cây nấy thẳng băng…sau nay tình cờ được chứng kiến, họ phải hơ lửa khúc cong rồi uốn cho thẳng lại. 

Chị CL nói đúng, để tre già rồi mới uốn nắn thì khó khăn lắm.

Chúc Chị cùng gia đình vạn sự an lành.

Nhất Hùng

Bài tiểu luận rấy hay, lý luận chặt chẽ, có dẫn chứng , có nhân sinh quan, có vũ trụ , có triết lý Phật giáo : 
Lý duyên khởi, mọi pháp. ( pháp viết thường  có nghĩa là mọi sự , mọi vật, mọi việc , Pháp viết hoa là giáo lý của Phật ) đều do duyên tạo nên . Cây khi chết còn lưu lại cây con hay quả , hạt , nên cây không bao giờ chết, như con người. và trong người con đã có cha mẹ, trong cây con có đặc tính cây mẹ . Khi hết duyên, cây chết, người chết nhưng tinh hoa lưu truyền …
Người ví như cây nhưng đời người ví như đời chiếc lá, có lá rụng khi còn xanh do sâu, do va chạm hay bị cắt , hái  nên khi con đi trước cha mẹ, người ta than  “lá xanh rụng trước lá vàng !”
Cảm ơn Cung Lan cho đọc một bài rất hay 

Sao Khuê

Bài viết nhận định sâu sắc , hướng dẫn con người có tính lạc quan và cố gắng nghị lực trong cuộc sống , ý thức cuộc sống luôn đầy ý nghĩa, tâm tư hãy nhẹ nhàng trước sự sống chết.

Hay vậy ai dám phê bình nữa 

Cám ơn Cung Lan 

 Minh Thuý

Cung Lan thân,

Chị vẫn nghĩ là cuộc đời ngắn ngủi, nhưng không bi quan yếm thế mà trái lại: Sống vui từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm. Chị luôn thức khuya vì cứ nghĩ: có một ngày mình sẽ ngủ luôn không dậy nữa, bây giờ ngủ nhiều, uổng phí thời gian quá!

“ Cho dù chúng ta trở thành người thiên cổ, tế bào của chúng ta tiếp tục luân chuyển trong thân thể con cháu chúng ta” Nhưng, chúng ta vẫn…chỉ có một đời để sống!

Lê Thị Nhị

Chị Lan Cung ơi,

Rất thích khi đọc bài chị viết, lạc quan, yêu đời và ý nhị. Bên Kim Oanh đang mùa Thu. và tuần nữa thôi là bước vào đông rồi. Để cùng chị nhìn thu qua góc nhỏ, trước đây KO có bài viết về thu xin chia sẻ với anh chị nha. Kim Oanh

Vào Thu     

   Tháng Tư vừa sang. Mùa gì sẽ đến, Hạ hay Thu? Mùa thi về thì phải và cũng là ngày sắp chia tay. Hè lại về!
 
Xa quê hương xa cả mái trường,
Xa hàng phượng v vươn mình trổ hoa
Hè về ba tháng chia xa
Chợt mình tỉnh mộng! Thu qua xứ người.
 
      Ồ, Thì ra không phải quê nhà, mà ta đang đi vào mùa thu xứ người!
      Đấy là tâm trạng của người xa xứ.Trời Melbourne đã chuyển mùa se lạnh, lá trở mình chợt biết thu về.
      Thu vừa về rồi đó! Mùa thu nơi đây đẹp lạ lùng như chặng đường đời của một thời con gái. Ba màu hài hòa trong một chiếc lá. Màu xanh như sức sống vươn cao, mặn mòi của tuổi ngọc. Tuổi thanh xuân một thoáng hiền hòa, khoác chiếc áo màu vàng lám dáng làm duyên, và một màu đỏ thắm như trái tim rạo rực của một thời khi biết nhớ nhung và yêu say đắm.
      Tôi ra đời vào mùa thu, rồi từ giã quê hương cũng vào tiết thu, nên tôi yêu  thu vàng với những chiếc lá rơi, nhưng lại vẫn vơ lo sợ những buổi chiều xuống vội.
      Bất chợt những câu thơ ca ngợi tình thu làm lòng tôi thổn thức, xao động một góc trời. Hai phương trời  cách biệt, mặt không giáp mặt nhưng có bao giờ lòng người chợt giao tiếp với tình thu?
 
      Đêm xuống, khoác áo len ra hàng hiên tìm lấy bóng, gió lùa những chiếc lá reo vi vu, cái se lạnh làm chùng nhịp đập của tim, tôi rùng mình thu người cho thêm ấm. Thời tiết Melbourne cũng chẳng khác gì tính tình của con gái, một ngày có bốn mùa. Ai lần đầu đặt chân đến đây, cho là thời tiết khắc nghiệt, lạ lùng, mới thấy tia nắng đầu ngày lung linh xuyên qua kẽ lá, lóng lánh những hạt sương đọng trên cành, phút chốc gió lùa cây nghiêng,  hoa rụng. Trời u ám kéo mây, chợt mưa rơi lạnh buốt lòng. Trời thảm sầu, lòng cũng hắt hiu!
      Trong sâu thẳm cũng vấy lên niềm mơ ước, ước được người làm ấm lại đôi tay, một âu yếm được choàng vai, hay tựa đầu kể lể những gì thuôc về ta.
      Được nghe lời ngọt ngào ai đọc những vần thơ, mô tả mắt em là một hồ thu gợn sóng, ướm lời thương yêu sâu sắc của một thời. Tuy thẹn lòng mắt mình không đẹp như thơ ai, nhưng cũng đủ một khoảnh trời thu để nhốt bóng. Cuộc đời ta đã bao mùa lá đổ? Lòng se sắt với tháng ngày đằng đẵng trôi qua? Thấy lòng trống trải mênh mông. Đôi lúc chạnh lòng muốn xoay ngược một vòng quay trái đất, để không phải nơi  này thức thì người trăn trở, sáng bên người thì nơi đây thao thức từng canh,để tiếng thở dài không vang vọng trong đêm, làm nhói lòng và thương xót cuộc đời qua.
      Đêm nơi này sắp tàn rồi đó! Chỉ mình ôm gọn mùa thu, mưa nhè nhẹ rơi, gió lắc lay chiếc lá nửa vàng, xanh, đỏ như những chiếc đèn hoa. Có cảm giác như đang thắp thêm ánh sáng gửi đến bên người, để thu chỉ vừa chạm ngõ, lá đừng vội úa vàng, lià cành sớm tung bay. Vì tôi không đủ trọn đôi tay nhặt lá, đếm từng chiếc lá như đếm nỗi hoài mong.

Môt buổi sáng tinh mơ, trời còn lắng trong sương mờ, khoác vội chiếc áo gió đi rong, lang thang ra công viên, mặt đất vừa đủ ướt vì cơn mưa đêm qua, cây cối trở nên tươi mát và khí trời cũng dễ chịu cho lòng người. Nhìn những người lớn tuổi đi dạo chung quanh, họ cũng tay trong tay và nói cười vui vẻ. Ở tuổi đời còn lại hình như cái tình thâm trầm và đầm ấm hơn!? Tôi chợt tìm được trong lá vàng kia cũng thế, trổ màu, từng chiếc lơ lững mong manh nhưng vẫn cố bám vào nhánh cây khoe sắc..Thu chưa qua mà lá nhỉ?
      Nắng đầu ngày bắt đầu ló dạng, Bỗng vang lên  cùng một tiếng “Ồ!” trầm trồ ca ngợi một tuyệt tác thiên nhiên, mọi người ngước nhìn bầu trời, nụ cười thoả ước, ánh mắt tràn ngập niềm vui. Trong mắt tôi một bức tranh sống động, Cơn gió vô tình nhẹ lay, những giọt mưa đêm qua còn bám cành chờ đợi rắc nhẹ xuống, cuốn theo những chiếc lá vàng long lánh ánh nắng mai, lã lướt trên không, như những viên kim cương rực rỡ. 
      Như ai đó hay nói về điều ước của sao băng. Tôi thầm bảo lòng, xin mùa thu cho tôi một điều ước
      Mùa thu ơi! Điều ước mơ tôi có to lớn lắm không, thu có vui lòng không thu hỡi!? Nếu thu ngại ngần tôi sẽ nhờ chút gió khơi hương, gom trọn cuộc tình chấp cánh cùng thu. Lá rơi …rơi  thật dịu dàng ..nhẹ phủ dày lên cuộc tình, cho tình mặc áo mới nhé thu!
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Thở đi gió!
Lá vương rạo rực
Ướp hương yêu
Ngất ngưỡng men cay
Đêm ngây ngất, chân đi lạc bước
Vào rừng yêu, vấp ngã cơn say
 
Thở đi gió!
Lá cuộn tròn mặt đất
Tình lao xao!
Trời đất chao nghiêng
Lá nương gió lăn triền dốc đổ
Tắt ngàn sao! Lá ngủ bình yên
 
Men cay!
Tình say!
Lá reo
Gió thở
Lá ngạt ngào
Hương ủ rừng thu
 
Kim Oanh
1/5/2009
Mùa Thu Melbourne, Australia

Bài tiểu luận của Cung Lan quả là rất đặc biệt! Những nhận định, phân tách, so sánh về đời sống con người và đời sống của cây cũng thật là thú vị. PH rất tán đồng với những suy nghĩ của Cung Lan.

Cái quan niệm “Chết không có nghĩa là hết!”và, “Cha mẹ hiền lành để đức cho con…đề cập đến thuyết nhân quả đồng thời nhấn mạnh sự di truyền và luân chuyển… Nếu nói theo thuyết tâm linh của tôn giáo thì nhũng suy nghĩ của Cung Lan vốn đã rất phù hợp, nghĩa là chết tức chỉ lìa bỏ cái xác thân này và linh hồn sẽ “chuyển” sang một kiếp khác, hoặc là “đầu thai” làm người khác, tuỳ duyên tuỳ nghiệp khi kiếp này mình đã sống như thế nào…

Nhưng nói theo khoa học, thì Cung Lan lại càng… đúng hơn,“Cho dù chúng ta trở thành người thiên cổ, tế bào của chúng ta tiếp tục luân chuyển trong thân thể của con cháu chúng ta. Chúng tiếp tục trưởng thành, tiếp tục sinh sôi trong các thế hệ kế tiếp…”👏

Tâm đắc nhất là, “Nếu chúng ta ý thức đời người không ngắn ngủi như chúng ta từng nghĩ, chúng ta sẽ xóa tư tưởng bi quan yếm thế. Chúng ta sẽ không còn trầm tư mặc tưởng hay lo toan cho hành trình sau khi chết. Chúng ta cũng sẽ không còn buồn khổ khi nghĩ đến chuyện được lên  thiên đàng  hay  xuống địa ngục….”

BRAVO CUNG LAN! 👏👏👏

Một bài viết rất hay và giá trị. Không ngờ một người trẻ như CL mà lại có được những suy nghĩ và nhận định hoàn hảo đến như vậy! Chị xin bái phục!🙏🙏

Chúc CL và cả nhà VB luôn an lạc…

Phương Hoa

Đọc bài này tôi cũng cảm thấy thú vị.

Cung Lan đã làm tôi thích thú với lối suy luận rất mới mẽ của cô ấy!

Cung Lan đã viết:

“Người là cây- Đời người không phải là chiếc lá” để nói về cha mình, chính ông là cây, là cột trụ của gia đình. Mặc dù thân sinh cô đã mất khi cô còn nhỏ dại nhưng cô nghĩ mình vẫn được thừa hưởng dòng máu đi truyền của cha(mẹ) mình. Đó là điều chứng thực không thể chối cải được!( không kể những trường hợp ngoại lệ).

Trần Đại Bản

Những điều bình thường mà sâu lắng và ý nghĩa dưới ngòi bút Cung Lan

Mến phục sự thành công của Cung Lan lắm.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Bài tiểu luận của Lan Cung rất hay. Nhưng cụ Nguyễn Công Trứ cho rằng người chưa được như cây, cho nên cụ mới mơ ước rằng: “Kiếp sau nguyện chẳng làm người, làm cây Thông đứng giữa Trời mà reo.

Trần Gò Công/Lão Mã Sơn

 
Bài TIỂU LUẬN của CUNG LAN ĐƯỢC KHEN QUÁ CHỪNG RỒI.CHỊ HOÀN TOÀN ĐỒNG Ý VỚI NHỮNG LỜI KHEN ĐÓ.
Thật ra chị đã nói với CUNG LAN từ lâu:chị MẾN, PHỤC CUNG LAN từ khi được đọc cuốn truyện HAI CHỊ EM của Cung Lan.Từ cuốn truyện như hồi ký đó chị được biết CUNG LAN là người rất thẳng thắn , cương quyết , can đảm và đặc biệt rất thông minh từ khi còn là một cô bé mồ côi cha trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn với bà mẹ quá dễ thương, hiền lành luôn bị bên chồng bạc đãi.
Tất cả những trải nghiệm trong cuộc sống khó khăn đã là nguồn cảm hứng phong phú TẠO NÊN MỘT NHÀ VĂN với ngòi bút đặc biệt sâu sắc như CUNG LAN.
Chị may mắn có một người phụ tá dễ thương, tài ba và VBVĐBHK may mắn có một hội viên XUẤT SẮC như CUNG LAN.
Cám ơn THƯỢNG ĐẾ đã cho chúng ta có duyên được gặp gỡ và quí mến nhau.
Thân mến
Hồng Thuỷ

Ý tưởng của chị Cung Lan tuy mới bột phát nhưng rất hay. ” Con người không có cùng giai đoạn bệnh hoạn, không có cùng giai đọan già nua…” Theo tôi, đời người giống như cuộc hành trình của chuyến xe lửa, có người vừa lên đã xuống, có người đi một trạm rồi xuống, có người đi nửa đường rồi xuống, có người đi hết một cuộc hành trình…tức là sống trọn một kiếp người…

Nhưng chết vẫn chưa phải là hết mà còn tái sinh vào con, vào cháu, bạn bè …khi có duyên.

Nhưng, (lại Nhưng) có người sống rất đạo hạnh thì lại rất khổ, có người gian ác thì cuộc đời lại này họ rất may mắn và sung sướng. (đề nghị chị Cung Lan khai thác chủ đề này kế tiếp).

Cám ơn và Chúc mừng một tài hoa.

Thân

Hoàng Nguyên Linh

 Cung Lan

    Anh đã đọc và thú vị bài tiểu luận về cuộc đời của em. Anh em mình cùng hoàn cảnh mồ côi cha sớm .Thân phụ anh mất năm 1945 khi anh 11 tuổi ở phủ Xuân Trường tỉnh Nam Định.Năm 1945 anh cứng kiến nhiều biến cố lich sử như đảo chính Nhật 9 tháng 3,cách mạng 19 tháng 8 vằ đặc biệt nạn đói hàng ngày thấy những xe bò hay xe ba gác chở những bộ xương hay xác chết ….Anh có bài thơ nhiều bạn thích “Rồi ngày tháng qua đi”và Từ Công Phụng muốn phổ nhạc nhưng bạn QuýDenver phổ nhạc rồi nên Từ Công Phụng bảo anh” Tôi  không muốn compete với bạn nhạc sĩ khác.Bài này trong Tuyển tập Thơ Tình và được Hồng Vân diễn  ngâm và ca sĩ Thăng Long hát.Em có thể lấy từ You Tube ra tải lên mạng cho cả nhà coi/nghe chơi được không ?

     Anh nghĩ em và các bạn sẽ thú vị bài thơ và bản nhạc này ,cùng cảm nghĩ đề tài tiểu luận của em

    Hoàng Song Liêm

Rồi Ngày Tháng Qua Đi

Thơ Hoàng Song Liêm

Nhạc:

Quý Denver

Diễn Ngâm: Hồng Vân 

Tiếng hát:

ca sĩ Thăng Long

 

ĐA TÀI HOA TIÊN

 Khen mấy chưa vừa tài hoa tiên

Cô tấm chăn tằm tơ hồng duyên

Lòng son chữ nghĩa hồn thơ mộng

Sao trăng nâng gót sóng nhạc thiền …

MD.05/26/20

LuânTâm 

Thân mến tặng Cung thị Lan

Cám ơn CL đã cho xem một tiểu luận thâm thuý, sâu xa và đầy triết lý. Bái phụ đó nha.

T.Thuý

Cung Lan thân mến,

Đọc xong tiểu luận “Người là cây – Đời người không phải là chiếc lá” của Cung Lan rồi. Mới đọc vừa rồi thì thấy CL muốn có những phản hồi trái chiều cho linh hoạt. Nhưng Mỹ Hoàn thì lại đồng ý với Cung Lan là CL viết tiểu luận này rất triết lý, tạo hóa bốn mùa cây nhú lá xanh tươi rồi đổi màu rơi rụng, còn trơ lại cành khô đợi chuyển mùa rồi qua một chu kỳ mới.

Người ta cũng vậy, tre già măng mọc, nhưng con người trong sâu thẳm còn nối kết tâm linh. MH đồng ý là đời người đã thừa hưởng được những gì của ông bà cha mẹ, cũng vì vậy mà cô bé CL lớn lên được hưởng những tinh thần của người cha đã khuất để lai.

Chúc mừng CL nhé với nhiều tác phẩm cho mọi người đọc. Tiểu luận rất hay.

Mỹ Hoàn

CUNG LAN thân mến,

Hôm qua chị ra vườn  chụp hình hoa AZELIA và hoa hồng nở rộ rất đẹp, không biêt đạp phải POISON IVY lúc nào mà vô nhà nổi rash cùng người, chị sợ bị CORONA VIRUS nên phải gọi bac sĩ  để có  “video visit” bà ấy bảo “You got Poison Ivy rash” cho uống BENADRYL để ngủ và bớt gải!

Xin lỗi, hôm nay mới đọc tiểu luận của em “Người là cây –  Đời người không phải là chiếc lá!”  

Rât chí lý khi em so sánh cuộc đời con người với cuộc đời của một cây:

cuộc đời của con người là  cuộc đời của cây. Giống như cây, con người cần ánh sáng, nước, không khí, dưỡng tố và môi trường sống lành mạnh để phát triển. Cây phát triển từ lúc nhú mầm đến khi đơm hoa, kết trái như con người sinh ra, lớn lên, trưởng thành và sinh sản.”
Ở điểm nầy chị MHoa muốn thêm vô vài chi tiết để ủng hô sự so sánh “cuộc đời của con người là  cuộc đời của cây.”
1-Ngoài ánh sáng, nước, không khí, dưỡng tố và môi trường sống lành mạnh để phát triển. Cây  còn cần sự quan tâm , chăm sóc để lớn mạnh giông như con người -từ thuở bé cho đên già cần có TÌNH THƯƠNG vậy.
Chị đã chứng kiến 2 trường hợp 2 ông hàng xóm người Mỹ, sau khi chủ nhà qua đời cái cây
lớn trước sân cũng héo hon, rụng lá và người ta phải đốn đi.
2-Trường hợp ở New York , sau khi 2  “Twin towers” bị đốt cháy sập trụi lụi, thì ở khu “Ground Zero” mấy tháng sau người ta còn tìm thấy một thân cây bị cháy khô, nhưng dưới gôc có cây con lú lên sống mạnh, có lẽ từ hạt mầm của cây mẹ đã chết ?
Cây con nầy sau đó được đưa về trồng ở Thảo cầm viên của New York, vì người ta cho rằng nó biểu tượng cho HY VỌNG của tương lai, mà đúng như vậy ngày nay ,19 năm sau khu ” Ground Zero ” đã được xây dựng khang trang, trù phú hơn xưa.

3- Về đoạn cuối của bài tiểu luận :”

“Nếu chúng ta ý thức đời người không ngắn ngủi như chúng ta từng nghĩ, chúng ta sẽ xóa tư tưởng bi quan yếm thế. Chúng ta sẽ không còn trầm tư mặc tưởng hay lo toan cho hành trình sau khi chết. Chúng ta cũng sẽ không còn buồn khổ khi nghĩ đến chuyện được lên  thiên đàng  hay  xuống địa ngục. Với sự thông minh của con người, chúng ta tự tạo một thiên đường vui vẻ lạc quan yêu đời ngay trên trần thế và xóa tan những tư tưởng âu sầu, chán nản bi quan của chốn địa ngục. Có như thế, chúng ta sẽ trách nhiệm nhiều hơn đối với cuộc sống của chúng ta, của những thế hệ mai sau để cùng bảo tồn sự sống tốt đẹp của toàn nhân loại.”

Chị MHOA có suy nghĩ khác với CUNG LAN: Người khác với cây vì người  ngoài trí thông minh, tri thức còn có đức tin tôn giáo.

Nếu một người có đức tin tôn giáo : giả sử là Chúa hoặc Phật thì họ sẽ không  sợ chết, không có những tư tưởng âu sầuchán nản bi quan của chốn địa ngục

vì họ biết rằng theo đạo CHÚA chết là đổi một cuộc sống mới , về với nươc CHÚA.

Theo đạo Phật thì có luân hồi chứ không phải ” Chết là hết”.

Hơn nữa cả  đạo Phật lẫn đạo CHÚA đều tin rằng  cuộc sống của chúng ta  là sự xoay vòng giữa NHÂN và QUẢ, nếu mình sống cuộc đời vị tha, biêt  thực hành CHÂN THIỆN MỸ,  có lòng TỪ BI, HỶ XÃ, NHÂN TỪ , biết lan tỏa TÌNH THƯƠNG,luôn  gieo hạt Nhân lành thì dù giàu hay nghèo mình cũng sống an lạc  và gặt hái được Quả ngọt, đó là TÌNH THƯƠNG của các nguời xung quanh ta và của gia đình bà con.

Đôi lời góp ý thêm với em cho vui, nếu có gì không hợp ý em thì bỏ qua cho chị nha!

Chị luôn cảm phục ý chí kiên nhẫn , trí thông minh xuất sắc và tài năng cùng lòng tốt của em hy sinh

lo lăng tạo dựng web-site cho tat cả mọi người của đại gia đình VBMDHK!

LOVE YOU,

LÊ TỐNG MỘNG HOA
Lê Mộng Hoàng
tonghome@msn.com

 

Chi Mộng Hoa, Cung Lan thương,

 Đọc bài Tiểu Luận chị rất ngưỡng mộ Cung Lan.

 Qua Mỹ con còn nhỏ, Cung Lan phải vừa làm, vừa học, vừa  chăm nom  các con và lo việc nội trợ vậy mà học xong Cử Nhân  và Thạc Sĩ. Sau này Cung Lan  còn tham gia các gia các sinh hoạt văn chương, nghệ thuật , nấu ăn ngon… Lúc nào cũng tươi cười  như hiên nay bỏ thì giờ làm” trang nhà” cho các anh chi em hôi viên  Văn Bút.

  Theo NH bài Tiểu Luận của Cung Lan làm cho người ta vui, sống tốt lành, siêng năng hơn. “Suy nghĩ  đúng đắn, hợp lý, sông ý nghĩa, có ich… “, ” tạo cho mình môi trương để sống vui và khỏe mạnh, môt thiên đường trên trần thế…”Cung Lan cũng nhắc đến các tính tốt được thừa hưởng  của phụ thân nhờ di truyền… 

Chi Mộng Hoa ơi,

  Mong chị hết bị dị ứng, rash, gãi ngứa …

  NH cũng đồng ý với chi Mộng Hoa “ai  có lòng vi tha, từ bi hỉ xã, gieo nhân lành được quả ngọt là TINH THƯƠNG của những  người chung quanh. Ai có đức tin Tôn Giáo sẽ được bình yên, không lo sợ chuyện tử sinh… vì mọi việc được đấng Thiên Liêng ấn đinh trước. 

 Toàn là những lời tốt lành làm cho người khác lạc quan , yêu đời.

 NH xin chúc chi Mộng Hoa,  Cung Lan  và quý  anh chị em được mọi sư tốt lành, thân tâm an lạc

Quý mến tất cả

Ngọc Hạnh

                           CÂY

 Anh, Chị Em hãy ngồi tạm xuống đây

Nghe Cây nói về thân phận của Cây:

Trên thế gian vạn vật không trường thọ

Chỉ có Cây có thể sống ngàn năm.

Nhân loại có nhiều hạng người bất hảo

Gây bất an cho  xã hội loài người.

 Còn Cây rất là hữu ích cho  đời:

-Lá cây  hút thán khí gây độc tố

Giúp con người có dưỡng khí trong lành.

-Hy sinh bản thân, đội nắng,  hứng mưa

Cho khách bộ hành đục mưa, núp nắng.

-Cây giúp con người làm kèo, làm cột

Xây cất nhà làm tổ ấm gia đình

-Đóng bàn  ghế  trang trí cho nội thất

-Cây trên vùng rừng  núi làm rào cãng

Chận nước mưa ào ạt xuống đồng bằng

Gây lụt lội hai dân  hư nhà cửa.

Bao nhiêu lợi ich  của Cây vừa kể

Hỏi, có người nào so sánh cho bằng?

                                          Hoa Đô ,2020

                         Trần Gò Công/Lão Mã Sơn

 
 
BÀI THƠ “CÂY” của  LÃO MÃ SƠN, phụ họa tiểu luận ”  “Người là cây –  Đời người không phải là chiếc lá!” của CUNG LAN
rất là tương xứng!
Đúng là “Les Grand esprits se rencontre”!
Xin bái phục nhị vị văn thi hữu !🙏 🙏
*** Đây Là lời thành thật phát ra từ trái tim chơn chất của MHOA, chứ không phải “mặc áo thụng vái nhau đâu nhé!
Thật ra trên đời nầy ít có người tuổi cao như ANH HAI LMS mà làm thơ dễ dàng như uống  nước mía vậy!
LE TONG MONG HOA
Le Mong Hoang
Charity Group of VA Affection
Nhom Tu Thien Tinh Thuong VA
Caring and Sharing with Affection
CFC #13212
Kính thăm quý anh chị,
 Cung Lan chân thành cảm ơn quý anh chị đành thì giờ đọc “Người là cây – Đời người không phải là chiếc lá!” của CTL và hồi đáp với những lời khích lệ dễ thương. Cung Lan rất cảm động trước tình cảm của quý anh chị dành cho CL. Thực sự CL muốn những phản hồi trái chiều để chúng ta có một cuộc bình luận sôi nổi trong “phòng” – “Tiểu Luận, nghị luận, Bình luận những tác phẩm Văn Chương” của trang web VBHNVĐBHK đó!
Quýanh chị ơi! Bài này CL viết lâu rồi!CL thử “mở hàng” mục này không ngờ quý anh chị tham gia đông đảo, vui quá!
 CL sẽ đăng trong phần  Tiểu Luận, Bình Luận những tác phẩm Văn Chương và sẽ đăng những nhận xét và góp ý của quý anh chị theo thứ tự sau:
1. Nhất Hùng:( CL cảm ơn lời khen đầy ý nhị và nhân ái  của anh. Lúc nào CL cũng suy nghĩ “sự đời” nên luôn thấy tâm hồn của mình già cỗi!)
2. Sao Khuê: ( Chị  Sao Khuê muôn đời dễ thương với những câu văn đặc biệt!)
3. Minh Thuý: Em rất cảm động Minh Thuý dành thì giờ đọc bài tiểu luận này. Thương nhiều!
4. Lê Thị Nhị:  Dạ em đồng ý với chị: Đừng bao giờ bi quan yếm thế! Sống vui và chết cũng vui . Em thường hay quan sát các anh chị để học hỏi!Em rất phục và tự hào khi nghe các anh chị nói về chuyện chết như nói chuyện tiếu lâm!” Em nhớ mãi những câu chuyện chị  Nhị kể trong thời gian chị bệnh nặng và trog tình trạng nguy kịch!
5. Lê Thị Kim Oanh: Hình và cảnh Thu đẹp quá Kim Oanh. Cảm ơn KO rất nhiều nha!
6. Phương Hoa ( Em cảm ơn chị Phương Hoa. Văn thơ như người. Chị lúc nào cũng dễ thương với em!)
7. Trịnh Bình An ( An ơi! Chị rất ngạc nhiên và cảm động khi thấy Trịnh Bình An bất ngờ xuất hiện! Cảm ơn những tiếng vỗ tay khích lệ của em)
8. Trần Đại Bản:  Câu ” Cung Lan đã làm tôi  thích thú với lối suy luận rất mới mẻ của cô ấy!” của anh Đại Bản  khiến CL rất vui! Cảm ơn anh nhiều

9. Hồng Thuỷ: Em rất cảm động tình thương của chị dành cho em. Mỗi lần nói đến truyện Hai Chị Em là em nhớ những giọt nước mắt của chị. Em cảm động nhiều lắm chị ơi !

10. Nguyễn thị Thanh Dương( Chị ơi! Chị lúc nào cũng để trong em hình ảnh hiền hậu, khiêm nhường và nhân hậu. Em cảm ơn sự khích lệ của chị)

11. Thi sĩ anh Hai Lão Mã Công( CL rất thích sự so sánh đầy thuyết phục của anh Hai về lá và cây thông và bái phục  bài thơ Cây của anh! Anh quả là thi sĩ rấ đặc biệt! CL chân thành cảm ơn anh bỏ thì giờ tham gia đề tài này. Kính chúc anh luôn mạnh khỏe và an vui)
12. Hoàng Nguyên Linh: CL chân thành cảm ơn sự chú ý của anh . Lời khen ngợi của anh khích lệ CL rất nhiều. CL sẽ triển khai những vấn đề anh đặt ra với sự giúp đỡ của quý anh chị hội viên ểể” không khí sôi động hơn.
13. Luân Tâm: CL cảm ơn thi sĩ Luân Tâm. Anh khen hoài CL bể mũi luôn!
14. Hoàng Song Liêm: CL cảm ơn anh khen ngợi. CL sẽ xin anh link nhạc phù hợp với đề tài này.
15. Chúc Anh:  CL cảm ơn trái tim đầy yêu thương của Chúc Anh.
16. Tường Thuý :  Cảm ơn Tường thuý – Câu văn ngắn, tình cảm dài. CL cảm động vô cùng!

17. Mỹ Hoàn: Ồ! Em cảm ơn chị Mỹ Hoàn rất nhiều❤️😘!Vài tháng sau em sẽ kiếm đề tài khác có nhiều phản hồi để không khí sôi động hơn nha chị😊

18.Chị Ngọc Hạnh thương quý,
 Em rất cảm động khi đọc những giòng chữ của chị. Chị ơi khi ba em mất em chỉ ba tuổi rưỡi. Má em không biết chữ chỉ học đọc viết qua ba nên không thể dạy em gì cả. Hơn nữa má còn phải lo kiếm tiền nuôi hai chị em em. Em khao khát đưọc học nhiều thứ nhưng chẳng bao giờ được. Nhờ may mắn được sống ở Mỹ nên em cố gắng hết sức vừa học vừa làm. Do có học bổng nên em học đến thạc sĩ và làm trong sở Xã Hội chứ em không bao giờ kén nghề nào hết chị ơi! Thời gian em học thạc sĩ là thời gian em làm ở sở Xã Hội vậy mà cuối tuần em vẫn làm ở Hair Cuttery ở City Place. Em làm “tận tình” đến nỗi biết chỗ đổ rác trong trung tâm thương mại này luôn( Bị đồng nghiệp ăn hiếp quá mà!)
Sở dĩ em viết tiểu luận này vì em thật sự thấy ba em và bà nội em ” sống” trong con người của em. Em thươnờg tự kiểm bản thân mình và thấy rằng những gì em học qua mà biết rành đến nỗi ai cũng tưởng em biết là mọi chuyện từ lâu lắm. Như chuyện văn chương, em  viết nhanh, nghĩ gì viết nấy chứ không trau chuốt vậy mà không hiểu sao độc giả thương và thích. Hay chuyện nấu ăn, em chỉ nhìn qua mọi người nấu ăn như thế nào, mỗi người mỗi cách ra sao rồi nghĩ ra cách nấu nhanh gọn mà bạn bè khen ngon. Chứ ngày xưa má em nghèo là gì có thứ ăn để thực hành nấu món này món nọ. Đó là lý do Cung Lan nói chắ chắn rằng ” ba em” và” bà nội” của em ” sống” trong con người em, chỉ cho em làm.
Bây giờ vào căn nhà Văn Bút Miền Đông, em rất vui vì được các anh chị thương mến.

 Tơng chúc chị  Ngọc Hạnh luôn xinh đẹp và an vui như đã từng.

Cung Lan xin cho phép quý anh chị cho  CL đăng hồi đáp trong trang nhà nha! Bây giờ CL rất bận nên CL sẽ cố gắng đăng vào cuối tuần. Nếu CL vẫn bận thì CL sẽ đăng trễ hơn nữa hénEmojiEmoji quý anh chị. Sau này  nếu anh chị có tiểu luận thì đưa ra chúng ta cùng bàn thảo nha. Vài tháng chúng ta có một đề tài là đủ.
Theo cách này, trang nhà của chúng ta ngày càng phong phú và đặc sắc hơn. CL không hồi âm thư nhưng khi quý anh chị gửi bài, CL đều cố gắng cập nhật trên trang nhà. Kính mời quý anh chị thường xuyên ghé thăm trang Web của hội.
 Thương chúc quý anh chị luôn dồi dào sức khỏe, và an vui. Cầu mong đại dịch  qua mau để anh chị em chúng ta sớm gặp lại nhau.

                     Cung Thị Lan

May 16, 2020